• English

Tin thị trường

Cảng Quốc tế Long An: Cửa ngõ để Đồng bằng sông Cửu Long vươn ra biển lớn

Ngày 17.1.2017, khi tàu Ocean Swagman quốc tịch Singapore - chuyến tàu đầu tiên cập Cảng Quốc tế Long An, người dân xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc ngỡ ngàng trước sự kiện trọng đại trên vùng đất quê hương. Lúc đó, họ tin rằng vùng đất phèn chua nước mặn từ bao đời đã thực sự thay da đổi thịt. 

Khát vọng biến đất hoang thành tổ hợp cảng biển

Những ngày đầu về xã Tân Tập để khảo sát địa hình, ngồi uống rượu đế với bà con giữa một bãi lau sậy hoang vu bên bờ sông Soài Rạp, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm, một trong các nhà đầu tư, nói về một tương lai sẽ có cảng quốc tế, khu dân cư, đường nhựa, kho hàng, sẽ kéo điện sáng rực, sẽ tạo nhiều công ăn việc làm. Lúc đó, bà con nghe cũng gật gật gù gù, cũng chẳng mấy ai hiểu biết về cảng biển quốc tế, về logistics. Trước mắt, nghe ông Thắng nói làm một con đường nhựa từ ngoài lộ lớn vào tới trong quê là vui rồi.

Việc xây dựng cảng gặp nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng giao thông không thuận lợi, phải làm đường để vận chuyển vật liệu. Nhưng rồi nó cứ lớn dần lên, tạo sinh khí từng ngày cho vùng quê nghèo. Ở đây không có lợi thế trồng trọt, chăn nuôi, bà con kiếm một chân lao động thời vụ trong giai đoạn xây dựng cũng quý hóa. Có điều, bà con chưa thể hình dung sau khi đi vào hoạt động, Cảng Quốc tế Long An sử dụng nhiều lao động trong nước và nước ngoài, trong đó có con em của địa phương.

Các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng hân hoan khi hay tin về dự án xây dựng Cảng Quốc tế Long An. Từ trước đến nay, hàng hóa sản phẩm của các tỉnh miền Tây phải đến TPHCM, qua cảng Sài Gòn và các cảng lân cận để xuất khẩu, chi phí vận chuyển và logistics cao, chưa kể các cảng này đang trong tình trạng quá tải. Nếu Cảng Quốc tế Long An hoàn thành và đưa vào khai thác, hàng hóa sẽ xuất đi từ đây. Lợi ích quá rõ, tiết kiệm được chi phí vận chuyển và nhiều chi phí khác, đặc biệt quan trọng là giảm áp lực giao thông cho khu vực TPHCM. Ông Võ Xuân Hòa - Giám đốc Cty CP ĐT - SX Kết Phát Thịnh cho biết: “Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quốc tế Long An thuận lợi hơn các cảng ở TPHCM, tuyến đường đi cũng thông thoáng”.

Năm 2016, trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Long An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và khảo sát Cảng Quốc tế Long An và đánh giá rằng, vị trí của cảng rất thuận lợi, dễ dàng kết nối giữa TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường bộ và đường thủy. Do đó, đưa cảng vào hoạt động càng sớm thì sẽ phát huy được hiệu quả. Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các chủ đầu tư thúc đẩy tiến độ, để có được chuyến tàu cập cảng đầu tiên vào ngày 17.1.2017.

Sẵn sàng cho bước phát triển tiếp theo

Cảng Quốc tế Long An có diện tích 147ha với thiết kế gồm 7 bến cầu cảng tiếp nhận tàu từ 30.000 - 50.000 DWT cùng 4 bến sà lan 2000 DWT. Cảng Quốc tế Long An là một mắt xích trong tổng thể dự án 1,935ha bao gồm: KCN Đông Nam Á (952ha), Khu trung tâm dịch vụ Logistics (239ha), Cảng Quốc tế Long An (147ha) và Khu đô thị mới Long An. Khi hoàn thành vào năm 2023, Cảng Quốc tế Long An sẽ là một trong những cảng lớn nhất khu vực miền Tây Nam Bộ, kết hợp cùng KCN Đông Nam Á và Khu trung tâm dịch vụ Logistics để hợp thành một trung tâm đầu mối xuất nhập khẩu cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kết nối với Cảng Quốc tế Long An, tỉnh Long An đã đầu tư trục tỉnh lộ 830 kết nối từ Cảng Quốc tế Long An đến các huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ và hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cảng Quốc tế Long An vừa xây dựng vừa khai thác, tuy mới đi vào hoạt động giai đoạn 1 trong năm 2017 nhưng cảng đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2017, Cảng Quốc tế Long An đã đón gần 100 lượt tàu cập cảng, trong đó tàu quốc tế chiếm tỉ trọng trên 70%.

Nhằm đáp ứng được lượng tàu cập bến trong năm 2018, Cảng Quốc tế Long An đã tiếp tục xây dựng cầu cảng số 2 với chiều dài 210m, sẽ hoàn thành trước 30.6.2018, nâng tổng chiều dài cầu bến lên 420m qua đó nâng cao năng suất tiếp nhận tàu. Bên cạnh đó, Cảng quốc tế Long An đang gấp rút xây dựng 100.00m vuông nhà kho nhằm đáp ứng lưu trữ, xuất, nhập hàng hóa thông qua cảng.

Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn vừa xây dựng, hoàn thiện các dịch vụ kho bến bãi, vừa khai thác, Cảng Quốc tế Long An đã cho thấy được những tiềm năng phát triển và hứa hẹn sẽ trở thành chìa khóa quan trọng đánh thức tiềm năng phát triển không chỉ riêng tỉnh Long An mà còn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

MINH DIỄM

laodong.vn






Đăng ký nhận tin
KienlongBank