Chuyển biến tích cực
Tại hội nghị lần này, nhiều vấn đề nóng được các chuyên gia đặt lên bàn thảo luận như phát triển thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển công nghệ thanh toán không tiếp xúc… Đặc biệt, vấn đề làm thế nào đảm bảo được tính bảo mật, an toán toàn cho người sử dụng thẻ khi thực hiện thanh toán các giao dịch được nhiều đại biểu tham dự quan tâm thảo luận sâu…
Theo ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, đến cuối năm 2017, tổng số thẻ các loại đang lưu hành tại Việt Nam lên đến con số 77.174.595 thẻ; số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2017 khoảng 15,6 triệu thẻ. Song tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ ở mức thấp 14%, đặc biệt doanh số sử dụng thể nội địa giảm tốc độ tăng trưởng từ 22% năm 2016, xuống có 12% năm 2017. Thẻ nội địa vẫn được sử dụng chủ yếu để rút tiền mặt, tỷ trọng sử dụng rút tiền mặt ở mức cao 94%.
Trong khi đó, doanh số sử dụng thể quốc tế tiếp tục tăng, đạt 30% trong năm 2017. Cơ cấu về tỷ trọng doanh số sử dụng thẻ quốc tế tằng từ 11% năm 2016, lên 13% năm 2017.
Ông Tuấn cho rằng, doanh số sử dụng thẻ nội địa có tăng. Song tỷ lệ sử dụng thẻ để rút tiền mặt chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa. 3 năm gần đây, doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu tại các điểm chấp nhận thẻ còn thấp so với các nước trong khu vực nhưng vẫn có sự dịch chuyển tăng dần.
Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa tại POS năm 2017 tăng trưởng ở mức 67% so với năm 2016. Doanh số sử dụng thẻ ghi nợ nội địa đạt mức 56.949 tỷ đồng trong năm 2017. Chủ thẻ bắt đầu có xu hướng sử dụng thẻ nội địa để chi tiêu tại các đơn vị chấp nhận thẻ. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng.
Cùng với sự tăng lên của việc sử dụng thẻ ghi nợ nội địa để thanh toán các giao dịch, doanh số thẻ quốc tế có xu hướng tăng trưởng nhanh, đến năm 2017 đạt gần 292.000 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2016. Trong đó, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng trưởng nổi trội, ở mức 45% trong năm 2017, ghi nhận gần 113.000 tỷ đồng được giao dịch qua thẻ, chiếm tỷ trọng 39% trong tổng số doanh số sử dụng thể quốc tế…
Để có được sự chuyển biến tích cực trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chính nhờ sự đa dạng hóa các kênh thanh toán. Trong năm 2017, ngoài các kênh thanh toán truyền thống trước đây như POS, ATM, Ecom, thị trường thanh toán Việt Nam ghi nhân các kênh thanh toán mới như mPOS, QR… Đến cuối năm 2017, thị trường có 5 ngân hàng triển khai mPOS và 3 ngân hàng triển khai QR. Trong năm 2018, thị trường hứa hẹn sẽ đón nhận hàng loạt các ngân hàng tham gia vào thị trường thanh toán mới, với công nghệ hiện đại.
Cần tạo thói quen có người sử dụng thẻ
Tuy nhiên, việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch dân sự. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thói quen sử dụng tiền mặt trong một bộ phân dân cư. Cùng đó, hệ thống thanh toán phát triển và phân bố chưa đều khắp; chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, chưa phát triển rộng ở địa bàn nông thôn.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN Việt Nam cho rằng, các ngân hàng cần xây dựng chính sách, quy trình để đảm bảo cho hoạt động thẻ an toàn, hiệu quả. Xây dựng và ban hành các quy định về chuẩn EMV/chuẩn QR, tăng tính đồng bộ tạo điều kiện để các ngân hàng dễ dàng làm việc với các điểm chấp nhận thẻ. Chủ động trong việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm xử lý rủi ro giữa ngân hàng thành viên với các tổ chức thẻ quốc tế, phối hợp chặt chẽ với Bộ công an để phát hiện, bắt giữ tội phạm thẻ, từ đó tạo lòng tin cho người sử dụng.
Còn ông Arn Vogels, Giám đốc khu vực MasterCard khẳng định, thanh toán không tiếp xúc sẽ thuận tiện cho những giao dịch nhỏ, tạo điều kiện cho các giao dịch thanh toán phát triển ngày càng phong phú hơn. Từ đó, tạo ra sự thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng Việt Nam.
Ví dụ, hiện tại người tiêu dùng phải chi tiền mặt để mua cà phê tại các cửa hàng đồ uống, hay người chủ phương tiện đến tháng phải đi nộp tiền đỗ xe. Thế nhưng, với công nghệ hiện đại, các giao dịch bằng tiền mặt thay đổi sang việc áp dụng thanh toán không tiếp xúc, hội tụ việc thanh toán tập trung vào ví di động.
Thực tế tại Việt Nam, có nhiều điểm chấp nhận thẻ, thế nhưng điểm chấp nhận thẻ lại đặt ở chổ khuất, thậm chí để trong ngăn kéo… Khi các giao dịch thẻ có thể gặp những rủi ro, điều này càng khiến người tiêu dùng chưa tin dùng thẻ tại các điểm chấp nhận thẻ để thanh toán. Để làm được điều này, cần thay đổi hành vi thói quen của người dùng. Yêu cầu đặt ra là cần sự phối hợp chặc chẽ giữa các ngân hàng với các đối tác, cần thay đổi hành vi cho các cửa hàng chấp nhận thẻ và người sử dụng.
Có thể nói, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua thiết bị chấp nhận thẻ chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS chưa xứng với tiềm năng; thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử còn thấp. Một yếu tố khác là thực tế triển khai cũng còn nhiều bất cập, cần xử lý, nên chưa góp phần được nhiều trong việc giảm thanh toán tiền mặt…
Để khắc phục những tồn tại trong thanh toán thẻ, các chuyên gia cho rằng, các đơn vị kinh doanh mạnh dạn hơn trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, cần có chế tài bắt buộc các đơn vị kinh doanh, đơn vị công chấp nhận thanh toán thẻ, khuyến khích người dân đẩy mạnh chi tiêu sử dụng thẻ thanh toán, bắt buộc DN khác DNNN trả lương qua thẻ, giảm thuế cho các đơn vị bán hàng hóa dịch vụ chấp nhận thẻ.
Còn một thực trạng, các ngân hàng chỉ tập trung giành giật các đơn vị chấp nhận thẻ sẵn có, chưa thực sự tập trung chú trọng vào phát triển mạng lưới điểm chấp nhận thẻ mới. Do đó, so với các nước trong khu vực và thế giới, mạng lưới điểm chấp nhận thẻ tại thị trường Việt Nam còn rất bé, khiến cho chủ thẻ gặp khó trong chi tiêu sử dụng thẻ…
Chính vì vậy, thời gian tới các ngân hàng cần chung tay xây dựng thị trường phí lành mạnh, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh và phát triển bền vững, lâu dài. Khuyến khích các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh về phí, từ đó phát triển hơn nữa mạng lưới thanh toán…