(Chinhphu.vn) – Nhiều năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đất nước đang có xu hướng chậm lại và Bộ Công Thương - đơn vị được giao nhiệm vụ “hiến kế” vực lại ngành công nghiệp - đã xây dựng ra 8 nhóm nội dung chính nhằm tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Việt Nam đứng đâu trong bản đồ công nghiệp thế giới?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong những năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10%/năm giai đoạn 2011-2015 và giảm hầu hết trong các nhóm ngành công nghiệp; tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.
Năng suất lao động công nghiệp Việt Nam bị “bỏ xa” so với các nước phát triển và các nước trong khu vực. Năng suất lao động của Nhật Bản cao gấp 39 lần của Việt Nam, Singapore cao gấp 26 lần, Hàn Quốc cao gấp 16 lần và Trung Quốc cao gấp 2 lần.
Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong công nghiệp đạt thấp, tỉ trọng giá trị gia tăng ngành công nghiệp trong GDP giảm từ 32% năm 2010 xuống còn khoảng 28% năm 2015.
Thứ trưởng Hưng thừa nhận, hiện Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo bình quân đầu người.
“Đây là vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa”, Thứ trưởng nói.
Nói về nguyên nhân khiến ngành công nghiệp Việt Nam “còi cọc”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết có 5 nguyên nhân chính, gồm: Tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào khoa học; một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành định hướng xuất khẩu, tiêu biểu là dệt may, điện tử… mới dừng ở bước gia công, lắp ráp.
Đặc biệt, công nghiệp là ngành liên tục nhập siêu. Điều này chứng tỏ, công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, thiếu chủ động và dễ tổn thương trước các biến động của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, việc một số ngành công nghiệp trọng điểm do các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo có hiệu quả hoạt động chưa cao, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng cũng khiến cho nền công nghiệp đất nước ngày càng thụt lùi.
Đầu tư trong công nghiệp chưa đi vào chiều sâu, việc thu hút và tận dụng nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) còn nhiều hạn chế, đặc biệt là việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ; phân bổ không gian của các ngành công nghiệp chưa hiệu quả, vấn đề ô nhiễm môi trường… cũng là những yếu tố phải tính đến.
8 nội dung trong kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp
Là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2016-2020” và trình Chính phủ trong tháng 6/2017, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đã xây dựng xong dự thảo với 8 nội dung chính và đang lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, bộ ngành, hiệp hội…
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo lần này được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu về cơ cấu lại các ngành công nghiệp đã được Quốc hội và Chính phủ đề ra; khơi thông, xử lý nhanh, có hiệu quả các điểm nghẽn trong phát triển các ngành công nghiệp; tập trung nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ mang tính trong tâm, trọng điểm nhằm tạo ra những thay đổi thực chất để tạo ra tác động lan tỏa và dẫn dắt việc cơ cấu lại toàn ngành công nghiệp.
Theo đó, 8 nhóm nội dung chính bao gồm:
Một là, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên có khả năng lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp; bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững.
Hai là, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo ra môi trường bình đẳng cho các nhà đầu tư và khu vực tư nhân, đặc biệt là trong tiếp cận các nguồn lực tự nhiên.
Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, phát triển các doanh nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh quốc tế; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp FDI.
Bốn là, điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp phù hợp với định hướng cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên và lao động từ các trung tâm kinh tế lớn về các địa phương khác và thay thế bằng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ và chất xám; hình thành các cụm ngành chuyên môn hóa phát triển các ngành công nghiệp.
Năm là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.
Sáu là, xây dựng năng lực hỗ trợ cơ cấu lại các ngành công nghiệp.
Bảy là, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực nhằm cung cấp các giải pháp hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp.
Tám là, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho các bên liên quan nhằm hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp là việc cần thiết.
Không nên phát triển công nghiệp hỗ trợ ồ ạt
Theo TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Chỉ nên tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể, không nên dàn trải. Đơn cử như với ngành công nghiệp điện tử vì dung lượng thị trường khá lớn, hơn nữa các điều kiện để phát triển cũng gần như đầy đủ và chỉ thiếu một chút đó là năng lực của doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ như với Samsung, hiện công ty này đã chuyển dần sang phát triển các công ty vệ tinh để cung cấp đầu vào cho họ. Việt Nam không thể cung cấp hết các sản phẩm mà chỉ có thể tham gia một số công đoạn hoặc linh kiện nào đó. Do vậy, doanh nghiệp của Việt Nam phải đủ điều kiện năng lực để tiếp thu được yêu cầu của Samsung.
Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực của mình bằng cách đào tạo hoặc xây dựng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu đưa ra. Đồng thời, nhà nước cần có cách nào đó để Samsung có cam kết liên kết với doanh nghiệp trong nước, để Samsung khi đầu tư vừa phát triển được sản phẩm của họ đồng thời kéo theo được phát triển trong nước, tăng tỉ lệ nội địa hóa lên.
|
Phan Trang/ Báo Điện Tử Chính Phủ