Phát triển bền vững cần có nguồn lực bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2017 diễn ra ngày 21/9, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, tỷ lệ động viên từ thuế những năm vừa qua có xu hướng giảm do chúng ta liên tục điều chỉnh giảm mức động viên. Việc thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế thu nhập cá nhân (nâng mức giảm trừ gia cảnh), giảm thuế xuất nhập khẩu… cho thấy tiềm ẩn nguy cơ tỷ lệ động viên thuế trên GDP tiếp tục giảm trong các năm tới, do đó khó đảm bảo nguồn lực cho phát triển bền vững.
“Để thực hiện được Chiến lược phát triển bền vững với các chỉ tiêu cụ thể đã đề ra đến năm 2020, chúng ta phải có nguồn lực tài chính bền vững. Nguồn lực tài chính chỉ có thể bảo đảm được khi tiến hành đồng thời hai việc là cắt giảm chi tiêu và giữ được tỷ lệ động viên thuế, phí, lệ phí trên GDP ở mức hợp lý. Theo đó, phải đảm bảo bài toán cân bằng tổng thể giữa cơ cấu thuế gián thu và thuế trực thu; giữa người nộp thuế, người tiêu dùng ở các mức thu nhập khác nhau…”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.
Thuế tài sản sẽ tăng nguồn lực cho địa phương
Trong nội dung trình bày các nhóm giải pháp về cải cách nền tài chính công tại Việt Nam, TSKH Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng nhấn mạnh việc cải cách thu ngân sách, cải cách hệ thống thuế.
Theo TS Nguyễn Thành Long, kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và nợ công năm 2008, xu thế quốc tế hiện giảm dần thuế trực thu, tăng dần vai trò thuế gián thu như thuế GTGT, thuế hàng hoá. Các quốc gia đều muốn sử dụng công cụ này để kích thích doanh nghiệp (DN) tăng trưởng, tạo đà cho nền kinh tế hồi phục.
Theo báo cáo của E&Y, thuế gián thu tại các quốc gia OECD và châu Âu chiếm 50 – 60% tổng thu NSNN. Tại Trung Quốc, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi, từ 33% (năm 2004) lên trên 60% (năm 2016). Không nằm ngoài xu thế này, Việt Nam cũng cần tiếp tục cân nhắc tăng tỷ lệ động viên từ các sắc thuế gián thu, thuế tiêu thụ để lành mạnh hoá và bền vững ngân sách. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế trực thu bảo đảm công bằng, hiệu quả, hiệu lực, đơn giản, minh bạch và xu hướng là giảm dần loại thuế này để kích thích đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng cho DN. Rà soát giảm dần các chính sách ưu đãi thuế không còn hợp lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống gian lận, thất thu thuế.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu áp dụng thuế tài sản (thuế bất động sản) theo thông lệ quốc tế. Theo TS Nguyễn Thành Long, đây là sắc thuế rất phổ biến trên thế giới để huy động thêm nguồn lực cho chính quyền địa phương trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. “Có một thực tế là hiện nay Nhà nước bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, giá trị bất động sản tăng nhưng vẫn chưa có được cơ chế phù hợp để điều tiết được một phần giá trị tăng thêm này, qua đó chia sẻ lợi ích với cộng đồng xã hội thông qua công cụ thuế”, ông Nguyễn Thành Long phân tích.
Hệ thống thuế của Việt Nam là “vì người nghèo”
Cùng quan điểm về cải cách hệ thống thuế vì mục tiêu tăng trưởng và bền vững ngân sách, ông Sebastian Eckardt, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, xu hướng toàn cầu là chuyển từ thuế thu nhập sang thuế tiêu thụ.
Trong khi đó, các sắc thuế tiêu thụ của Việt Nam vẫn còn dư địa tăng, chẳng hạn như các loại thuế đối với hàng hoá có hại cho xã hội (Sin taxes). Mức thuế GTGT chuẩn hiện của Việt Nam vẫn đang thấp ở mức đáy so với khu vực. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cũng ở mức rất cạnh tranh so với khu vực, tuy nhiên cơ sở tính thuế lại đang bị thu hẹp do các chính sách ưu đãi. Thuế liên quan đến tài sản vẫn thấp và có tiềm năng để xây dựng một chính sách thuế định kỳ đối với đất và tài sản đặc biệt ở các cấp địa phương.
“Đây là sắc thuế rất quan trọng vì là nguồn thu đáng kể cho ngân sách, nhưng đồng thời cũng có thể khuyến khích việc sử dụng đất và tăng cường công tác quản trị tại địa phương”, ông Sebastian Eckardt nói.
Liên quan đến tác động khi điều chỉnh chính sách thuế gián thu, chuyên gia của WB lưu ý rằng việc đánh giá ảnh hưởng phải đặt trong bối cảnh chung về cải cách tổng thể các chính sách thuế. Theo phân tích của WB, hệ thống thuế của Việt Nam vẫn mang tính “vì người nghèo” bởi gánh nặng thuế chênh lệch với các gia đình trong ngưỡng thu nhập khác nhau, trong đó hộ gia đình giàu bị ảnh hưởng nhiều hơn hẳn so với các gia đình ở mức thu nhập thấp hơn. Như vậy, nếu điều chỉnh tăng thuế suất GTGT, người giàu sẽ phải đóng thuế với tỷ lệ nhiều hơn người nghèo. Đồng thời, với mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hiện là 9 triệu đồng, thì mức độ ảnh hưởng của thuế thu nhập cá nhân với các hộ gia đình là không lớn.