“Từ nay đến cuối năm NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến của nền kinh tế để điều hành tỷ lệ cung ứng vốn cho nền kinh tế bám sát chỉ tiêu định hướng đề ra”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để có tăng trưởng bền vững
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đã đạt ở mức khá cao như hiện nay, một trong những vấn đề đặt ra tại phiên họp toàn thể lần thứ 8 do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 9-10/10/2018 là có cần nâng tổng phương tiện thanh toán lên 16% và đưa tăng trưởng tín dụng lên 17% nữa hay không.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định quan điểm điều hành của NHNN là không nhất thiết phải đạt được các chỉ tiêu nói trên bằng mọi giá, vì đó không phải chỉ tiêu pháp lệnh. Tuy nhiên cập nhật con số đến ngày 28/9 cho thấy tín dụng tăng 10,41%, chỉ thấp hơn một chút so cùng kỳ năm ngoái là 11,8%; và so với 12 tháng trước tăng 16,8%, rất sát mức 17%. “Từ nay đến cuối năm NHNN sẽ theo dõi sát các diễn biến của nền kinh tế để điều hành tỷ lệ cung ứng vốn cho nền kinh tế bám sát chỉ tiêu định hướng đề ra”, bà Hồng khẳng định.
Giải tỏa băn khoăn của các đại biểu về kiểm soát tín dụng tiêu dùng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN luôn thận trọng và kiểm soát tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... Nhờ đó, dòng chảy tín dụng đã được nắn theo đúng xu hướng và chủ trương điều hành của NHNN, thể hiện ở tốc độ tăng tín dụng vào ngành bất động sản giảm dần qua các năm.
Về định hướng điều hành trong thời gian tới, NHNN rất đồng tình với quan điểm của các đại biểu Quốc hội về việc không thể chủ quan với lạm phát. Đối với NHNN trong tổ chức điều hành chính sách tiền tệ hàng năm bao giờ cũng đưa mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu. Cùng với các bộ ngành khác phối hợp trong khuôn khổ Ban Chỉ đạo điều hành giá, định kỳ hàng quý đề ra các giải pháp vừa kết hợp kiểm soát lạm phát cơ bản cũng như tạo dư địa cần thiết điều chỉnh các mặt hàng Nhà nước quản lý. Vì vậy mấy năm vừa qua lạm phát được kiểm soát gần như sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra
Tất cả các lĩnh vực đều đạt mức tăng trưởng cao
Liên quan tới công tác điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, với nền kinh tế có độ mở cao lên tới hơn 200% GDP như Việt Nam, thì tất cả biến động của thị trường quốc tế đều có thể tác động trực tiếp qua thị trường tiền tệ hay gián tiếp qua các kênh thương mại, đầu tư. Đặc biệt với điều hành tỷ giá không chỉ chịu tác động bởi yếu tố kinh tế mà cả tác động tâm lý. Vì vậy trong tổ chức điều hành, NHNN theo dõi rất sát các diễn biến, phản ứng kịp thời, phối hợp đồng bộ các công cụ để đưa ra chính sách phù hợp thời điểm, trong đó luôn nhấn mạnh yếu tố kiểm soát lạm phát để nâng cao vị thế VND, chống đô la hóa. Thực tế từ đầu năm 2016 khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm, với cơ chế linh hoạt hàng ngày có tăng có giảm, đã giảm rất nhiều tâm lý găm giữ ngoại tệ của người dân.
Đánh giá giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng ghi nhận thành quả của phát triển kinh tế - xã hội là tương đối cao. Một trong những thành công của Chính phủ trong công tác điều hành là chính sách tiền tệ tương đối nhịp nhàng, đã góp phần ổn định lạm phát, tỷ giá, không gây ra những xáo trộn trên thị trường nội địa dù chiến tranh thương mại đã tạo ra khá nhiều biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.
Liên quan đến vấn đề chất lượng tăng trưởng Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng mô hình tăng trưởng trước đây tập trung nhiều vào chiều rộng, đến nay đã chuyển sang vừa chiều rộng vừa chiều sâu. Điều này thể hiện ở năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế ngày một lớn, năm 2018 ước đạt 40,23%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 và cao hơn cả chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Tuy nhiên, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tăng trưởng chưa dựa vào các yếu tố nền tảng cốt lõi mà chủ yếu vẫn nhờ vốn và lao động. Mặc dù TFP giai đoạn này cao hơn trước, nhưng nếu đi sâu hơn thì TFP có rất nhiều yếu tố khác như thể chế, tổ chức quản lý, nâng cao quản trị… chứ không phải là đổi mới sáng tạo. Vì vậy chúng ta dễ nhầm lẫn TFP tăng là nhờ đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ.
“Phải bóc tách xem trong con số hơn 40% này có bao nhiêu là đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, mới quyết định tăng trưởng của chúng ta có bền vững trong tương lai hay không. Thì tôi e rằng phần này rất ít”, ông Tuấn khẳng định.
PGS. TS. Trần Thị Vân Hoa - Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng băn khoăn rằng một số chỉ tiêu đánh giá thực chất hơn về chất lượng tăng trưởng đã bị bỏ sót. Theo đó, cùng với tốc độ tăng trưởng phải so sánh GDP bình quân đầu người có tăng lên tương ứng hay không. Theo kế hoạch 2016-2020, GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 3.200-3.500 USD, tuy nhiên năm 2018 mới đạt 2.540 USD và nếu theo tốc độ tăng trưởng như hiện nay, bà cho rằng đến năm 2020 chỉ có thể đạt mức 2.854 USD bình quân đầu người, cách rất xa so với kế hoạch…
“Có phải chúng ta đặt chỉ tiêu quá cao, quá tham vọng hay trong quá trình thực hiện chúng ta không thể đạt được. Chúng ta đề xuất rất nhiều giải pháp nhưng lại chưa có đánh giá xem hiệu quả các giải pháp đó, cũng như kết quả thực hiện thế nào đều chưa được thể hiện rõ trong báo cáo”, bà Hoa đặt vấn đề.
Ngọc Khanh
Thời báo Ngân hàng