Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao gây áp lực với giá xăng dầu trong nước.
Thông tin với VTC News sáng 1/3, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc phê duyệt hay không còn phải các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, quyết định.
Bộ Tài chính đã đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. (Ảnh minh họa)
Trước đó, do tình trạng giá xăng dầu tăng quá cao, Thủ tướng đã yêu cầu 2 bộ Công Thương và Tài chính tính toán đề xuất phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu, báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/2.
Cùng với áp lực giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng, giá xăng dầu trong nước còn phải "gánh" nhiều loại thuế, phí. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng là 3.800 đồng với E5, 4.000 đồng với RON 95; dầu diesel 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít. Đây được coi là loại thuế đánh nặng nhất vào các mặt hàng xăng dầu.
Theo các chuyên gia, thuế bảo vệ môi trường được đánh giá là "bất hợp lý" nhất, đang được tính một cách cơ học theo giá trị tuyệt đối, thay vì tỷ lệ phần trăm như nhiều loại thuế khác. Do đó, dù giá xăng giảm sâu hay tăng mạnh, chi phí thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng dầu là không đổi.
Bộ Công Thương cũng từng đánh giá tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu ở mức cao (khoảng 55-60% đối với mặt hàng xăng, 35-40% đối với mặt hàng dầu). Trong đó thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11-20% đối với mặt hàng dầu.
Trả lời báo chí ngày 16/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang, giá dầu thô vượt 100 USD/thùng thì ngoài việc sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá thì phải tính đến công cụ khác là thuế phí.
Giá dầu thế giới tiếp tục tăng vào đầu ngày thứ Hai (28/2) sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng cụ thể của Nga, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung năng lượng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp.
Cụ thể, giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu quốc tế, tăng 7% và giao dịch ở mức cao 105 USD/thùng. Giá dầu thô kỳ hạn của West Texas Intermediate, mức chuẩn của Mỹ, cũng tăng hơn 7% lên trên 99 USD/thùng.
Theo vtc.vn