Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn thời gian nộp 4 loại thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 80.200 tỷ đồng.
Ngày 26/3/2020, Bộ Tài chính đã có dự thảo Nghị định và Tờ trình gửi Chính phủ. Tại Tờ trình, Bộ Tài chính cho rằng để doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19 có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 thì cần một số giải pháp hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng.
Theo dự thảo Nghị định trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất và gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng 5 tháng cho doanh nghiệp (với số thuế khoảng 61.600 tỷ đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp (khoảng 11.100 tỷ đồng).
Hộ gia đình và cá nhân kinh doanh được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân 5 tháng với số thuế khoảng 3.000 tỷ đồng.
Gia hạn 5 tháng cho tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp với số tiền khoảng 4.500 tỷ đồng.
Nghị định này áp dụng cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trong bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19, gồm các nhóm đối tượng sau:
- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép; sản xuất sản phẩm từ cao su; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất ô tô và xe có động cơ khác (trừ sản xuất ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống).
- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế: vận tải đường sắt; vận tải hành khách bằng xe buýt; vận tải đường bộ khác; vận tải đường thủy; vận tải hàng không; kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim.
“Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký. Nội dung của Nghị định đã quy định chi tiết để các doanh nghiệp có thể áp dụng ngay”, Bộ Tài chính trình Chính phủ.
Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép giao thẩm quyền cho Bộ Tài chính hướng dẫn nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc.
Do nội dung dự thảo Nghị định đều là những giải pháp cấp bách cần phải sớm ban hành. Do vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ đồng thời ký công văn xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Giải thích việc không gia hạn nộp với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường... theo Bộ Tài chính, đây là các sắc thuế chỉ thu vào một nhóm hàng hóa, dịch vụ nhất định (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế mới thuộc đối tượng nộp thuế) như: thuế tiêu thụ đặc biệt thu vào nhóm hàng hóa, dịch vụ không khuyến khích tiêu dùng hoặc hạn chế tiêu dùng; thuế tài nguyên thu vào hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản (những ngành này không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); thuế bảo vệ môi trường thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường và thuế môi trường chỉ thu vào 2 khâu sản xuất và nhập khẩu.
Do đó, nếu thực hiện phương án gia hạn nộp thuế bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường thì người tiêu dùng cuối cùng cũng không được hưởng lợi từ chính sách gia hạn thuế.
Hệ thống thuế của Việt Nam gồm 9 sắc thuế (không tính phí, lệ phí), gồm: thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế thu nhập cá nhân; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế chính và doanh nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh đều thuộc đối tượng nộp thuế; thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng là sắc thuế chính, tất cả hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đều thuộc đối tượng nộp thuế. Do vậy, để đảm bảo chính sách ban hành được áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
Theo thoibaonganhang.vn