Tới dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, ông Aeron Batten - Trưởng Ban Kinh tế và Chương trình - Văn phòng đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam và trên 150 đại biểu đến từ Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính và một số chuyên gia pháp luật, chuyên gia kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 21/6 vừa qua, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra căn cứ pháp lý nhằm tăng cường kỷ cương kỷ luật, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác quản lý TSC, đồng thời thúc đẩy sử dụng TSC mang lại hiệu quả cao nhất bên cạnh các tài sản, nguồn lực khác của xã hội.
Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cũng cho biết, do phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng để bao quát tất cả các loại TSC quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013, vì vậy, để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong việc triển khai thi hành và bảo đảm tính khả thi của văn bản quy định chi tiết phải khẩn trương triển khai nhiều công việc trong thời gian này như: Tuyên truyền để các cấp, các ngành hiểu đúng, hiểu đủ các quy định của Luật; kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật để hướng dẫn cụ thể, làm rõ các vấn đề Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thể hiện và thực hiện đúng tinh thần của Luật.
Do đó,Thứ trưởng đề nghị các đại biểu cho ý kiến kỹ về nội dung các văn bản này, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục để bảo đảm khi các văn bản này được ban hành sẽ không phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cũng cho biết, Luật Quản lý, sử dụng TSC là một luật khó, không chỉ vì các quy định phải điều chỉnh một khối lượng tài sản lớn, có giá trị khổng lồ mà đối tượng áp dụng của Luật còn rất rộng, từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị xã hội đến đơn vị sự nghiệp...
“Để việc triển khai Luật thực sự đáp ứng kỳ vọng mong muốn của cử tri và nhân dân cả nước, việc ban hành các văn bản dưới Luật, các Thông tư hướng dẫn cụ thể, chính xác là hết sức quan trọng. Điều này rất cần sự góp công, góp sức và đóng góp trí tuệ của các bộ, ngành để nâng cao tính khả thi của các văn bản sau khi ban hành”, ông Quang nhấn mạnh.
Sau khi nghe Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) Trần Đức Thắng giới thiệu sơ lược về nội dung Luật và dự thảo các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn các nội dung cụ thể đã được Bộ Tài chính soạn thảo, ông Aeron Batten chúc mừng Việt Nam đã xây dựng thành công Luật Quản lý, sử dụng TSC và cho biết, đây là bước quan trọng trong cải cách công tác quản lý công sản tại Việt Nam thời gian tới.
Theo ông Aeron Batten, Luật mới đã mở rộng phạm vi của hệ thống quản lý TSC và đưa ra những khái niệm hết sức quan trọng như quản lý tài sản theo vòng đời, chú trọng vào việc khai thác, duy tu và khai thác tài sản - một vấn đề rất quan trọng của Việt Nam hiện nay.
“Những cải cách trên là bước tiến hết sức tích cực, tuy nhiên, theo quan điểm của ADB, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực để đảm bảo Luật được triển khai một cách hiệu quả trong thực tế”, ông Aeron Batten chia sẻ.
Tại hội nghị này, các thắc mắc của các đại biểu đã lần lượt được đại diện Cục Quản lý công sản giải đáp. Đồng thời các ý kiến đóng góp của đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam... cũng được Cục Quản lý công sản lắng nghe và ghi nhận.
Đồng thời, ông Trần Đức Thắng cho biết, sau hội nghị hôm nay, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia góp ý để hoàn thiện các văn bản trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng 9 và tháng 10 tới đây, đảm bảo Luật Quản lý, sử dụng TSC phát huy đầy đủ ý nghĩa khi được áp dụng./.