• English

Tin thị trường

Bộ Tài chính: Quản lý thu, chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả

(TBTCVN) - 7 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN, nợ công theo các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Nhờ đó, công tác điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả. Lũy kế số thu 7 tháng đầu năm ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cân đối ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.

Ước thu ngân sách đạt trên 666 nghìn tỷ đồng

Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm, Bộ đã tập trung chỉ đạo cơ quan Thuế và Hải quan tiếp tục thực hiện tốt hơn các giải pháp quản lý thu Ngân sách Nhà nước (NSNN). Cụ thể, cơ quan Thuế đã chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra giá thị trường đối với các giao dịch liên kết; đẩy mạnh chống thất thu, tập trung xử lý nợ đọng thuế.

Cơ quan Hải quan phối hợp với cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan và kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra xuất xứ hàng hóa (C/0) của những hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN, nợ công theo các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, công tác điều hành nhiệm vụ thu, chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

Theo đó, lũy kế số thu 7 tháng đầu năm ước đạt 666,68 nghìn tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế chi 7 tháng đạt 695,16 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016. Cân đối ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, trong đó bội chi NSTW khoảng 50,6% dự toán; ngân sách địa phương chênh lệch thu lớn hơn chi.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 420 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 116 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển. Qua kiểm soát chi, các đơn vị Kho bạc đã phát hiện khoảng 10,3 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định và không chấp nhận thanh toán khoảng 35 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị quyết số 51/NQ- CP. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ; đẩy mạnh đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), trong đó tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Trong 7 tháng đầu năm đã thực hiện phát hành được gần 141 nghìn tỷ đồng TPCP kỳ hạn 5 năm trở lên đảm bảo nguồn, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách theo dự toán.

Công tác tái cấu trúc, phát triển các loại thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, bảo hiểm tiếp tục được triển khai đồng bộ. Cơ sở pháp lý về sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ chế tài chính, quản trị tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng nhằm góp phần củng cố và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý, giám sát tài chính doanh nghiệp. Tính đến ngày 25/7/2017 đã có 26 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị phê duyệt gần 72 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, các biện pháp quản lý, điều hành giá cũng được Bộ Tài chính sử dụng hiệu quả. Nhờ đó đã ổn định giá cả thị trường, tác động tích cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Quán triệt chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (như y tế, giáo dục…) theo lộ trình. Trong 7 tháng đầu năm, Liên bộ Công thương - Tài chính đã 14 lần điều hành giá xăng dầu, kết hợp với sử dụng Quỹ Bình ổn giá.

Song song với đó, Bộ Tài chính đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí an sinh xã hội đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2017 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đồng thời, đã xuất cấp trên 72 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân và hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Bộ Tài chính cho biết, bám sát kịp thời chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang chủ động điều hành các nhiệm vụ thu, chi NSNN đảm bảo tiến độ dự toán; đồng thời, tích cực rà soát, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục, công tác hậu cần để đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động đầu tháng 8 này.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thông báo số 297/TB- VPCP của Văn phòng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát lại các quy định của pháp luật về đầu tư công và giải ngân nguồn vốn này. Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng chủ động sửa đổi các hướng dẫn về chế độ và biểu mẫu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN, vốn TPCP thuộc chức trách được giao; quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn ngân sách theo hướng tinh gọn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như: Tham gia rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn TPCP đợt 2 năm 2017; tổ chức triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; tham gia sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến công tác đấu thầu và hợp tác công tư nhằm đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công -  tư….

Theo số liệu từ Kho bạc Nhà nước, lũy kế 7 tháng, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN giải ngân ước đạt 38,5% dự toán (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 2,3%). Vốn trái phiếu chính phủ, do kế hoạch năm 2017 mới giao được 5,2/50 nghìn tỷ đồng, nên tiến độ giải ngân mới đạt 2,1% dự toán Quốc hội quyết định và đạt 20,3% dự toán Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Vân Hà/ Thời Báo Tài Chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank