Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải đề xuất tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường, tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm.
Ngày 8/4, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, tham gia góp ý kiến cho bản dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công thương, ông Huỳnh Quang Hải, Thứ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến rằng tiếp tục cho xuất khẩu đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm.
Trong văn bản góp ý, ông Hải cũng kiến nghị tạm dừng xuất khẩu loại gạo tẻ thường (ở đây được biết đến là gạo cấp thấp của giống IR 50404) đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020.
Lý do được Bộ Tài chính đưa ra như sau: Chỉ tiêu kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao là 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa thường. Trước tình hình xuất khẩu tăng nên các doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia (đến ngày 4/3 đã trúng thầu 178.000/190.000 tấn kế hoạch) có tình trạng "kéo dài thời gian ký hợp đồng" và "không thực hiện thương thảo hợp đồng".
Thứ trưởng Tài chính Huỳnh Quang Hải kiến nghị dừng xuất khẩu gạo cấp thấp để thực hiện dự trữ quốc gia
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương báo cáo Chính phủ tạm dừng xuất khẩu gạo cấp thấp đến hết ngày 15/6/2020 như nêu ở trên.
Theo Bộ Tài chính, sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch được giao, thì tiếp tục điều hành xuất khẩu linh hoạt, phù hợp thực tế.
Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện giám sát chặt về việc xuất khẩu đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm, đồng thời, giám sát việc dừng xuất khẩu gạo cấp thấp đến hết ngày 15/6/2020.
Sau ngày 15/6/2020, khi gạo cấp thấp được xuất khẩu bình thường, thì Tổng cục Hải quan sẽ căn cứ vào số lượng do Bộ Công thương công bố thực giám sát thủ tục hải quan theo quy định.
Về biện pháp hỗ trợ, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Bộ NN-PTNT chỉ đạo Vinafood 1 và các công ty thành viên của Vinafood 1 ưu tiên ký ngay hợp đồng đối với số lượng gạo đã trúng thầu tại Cục dữ trữ Nhà nước khu vực theo kết quả đấu thầu.
Phản hồi với đề xuất như nêu trên của Bộ Tài chính, Bộ Công thương có ý kiến cho rằng trong tháng 4/2020 chỉ cho phép (đang đề xuất) xuất khẩu 400.000 tấn gạo, giảm tới 40% so với lượng xuất khẩu thông thường nên lượng gạo trong nước còn rất nhiều, đủ cho nhu cầu mua dự trữ của Tổng cục dự trữ Nhà nước.
Đối với tình trạng kéo dài thời gian ký hợp đồng và không thực hiện thương thảo hợp đồng cung cấp gạo cho dự trữ quốc gia, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát quy định của pháp luật về hợp đồng, đấu thầu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chế tài phù hợp đối với đối tượng này (ở đây là Vinafood 1) và để hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực này, tránh tình trạng này diễn ra trong thời gian tới…
Trước đó, ngày 6/4 Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất trước mắt trong tháng 4/2020 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo và trong tuần cuối của tháng 4/2020 khi căn cứ vào diễn biến tình hình thực tế, các Bộ ngành liên quan sẽ báo cáo Chính phủ quyết định điều hành xuất khẩu cho tháng 5/2020.
Được biết, sau khi trừ đi cho phần tiêu dùng trong nước và mua dự trữ…, lượng gạo có thể đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2020 là 800.000 tấn.
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến của Bộ NN-PTNT về sơ kết vụ đông xuân, triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông 2020 tại các tỉnh Nam Bộ, nhiều địa phương đã kiến nghị xem xét lại vấn đề tạm ngừng xuất khẩu gạo.
Theo ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nếu tạm dừng xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, giá thấp người dân sẽ không xuống giống vụ thu đông nữa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020 để cứu nông dân và doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng với đối tác nước ngoài, nếu không sẽ lâm nợ, mất thị trường.
"Chính phủ cần sớm quyết định để người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương chủ động trong sản xuất kinh doanh và điều hành quản lý nhà nước", văn bản do ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ký đề nghị.
Theo baodatviet.vn