Để kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngày 28/02/2020, Bộ Tài chính đã có Công văn số 2155/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị rà soát các khoản phí, lệ phí gắn với các dịch vụ do ngành, lĩnh vực quản lý; đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gửi Bộ Tài chính và phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo quy định hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền.
Chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí của Bộ Tài chính thời gian qua đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mức miễn, giảm phí, lệ phí đã thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đề xuất của các bộ, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng dự thảo các Thông tư quy định giảm phí, lệ phí; gửi xin ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kịp thời ban hành, có hiệu lực ngay nhằm nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, điều chỉnh giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.
Trong số 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí được điều chỉnh giảm mức thu, nhiều khoản phí, lệ phí có mức giảm cao như: Lệ phí đăng ký doanh nghiệp giảm 70%; Phí công bố thông tin doanh nghiệp giảm 67%; Các khoản phí thẩm định cấp giấy phép hoạt động bưu chính, phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án xây dựng, phí và lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán giảm từ 50% đến 70% mức thu...
Việc giảm phí, lệ phí đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng, giao thông, y tế, tư pháp... Và đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Cùng với những chính sách về miễn, giảm thuế, việc giảm phí, lệ phí là hành động kịp thời của Bộ Tài chính nhằm giảm thiểu khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí của Bộ Tài chính thời gian qua đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, góp phần tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mức miễn, giảm phí, lệ phí đã thể hiện sự chia sẻ giữa Nhà nước và người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn. Tuy về ngắn hạn, việc giảm phí, lệ phí có thể giảm thu ngân sách, nhưng về dài hạn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu thuế, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế, phí, lệ phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Theo tapchitaichinh.vn