• English

Tin thị trường

Bộ NN&PTNT phấn đấu xuất khẩu đạt 40-40,5 tỷ USD

(Chinhphu.vn) – Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt 6,5-6,7%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt từ 40 - 40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%. 
Chiều 3/4, Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp báo quý II/2018. Việc bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành đặt ra trong năm nay cũng như duy trì được đà tăng trưởng của quý I, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến 2020 là giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: “Năm nay, giải pháp ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu là quan trọng nhất. Bởi hiện nay, thị trường quốc tế có rất nhiều rủi ro. Các thị trường lớn, trọng điểm của nông, lâm, thủy sản Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, EU… cũng đang có nhiều khó khăn”.

Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571.600 tấn so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 5,4%). Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên. Trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao. Dự báo, năm nay Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.

Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, điều ước tăng 30%; hồ tiêu tăng 9,8%; xoài tăng 6,9%; cam, quýt ước tăng 4%…

Thủy sản và lâm nghiệp trong 3 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra. Năm nay, thủy sản là lĩnh vực được giao chỉ tiêu cao với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD.

Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm Tổng cục Thủy sản đã tập trung hướng dẫn các địa phương tăng cường sản xuất nuôi tôm nước lợ và cá tra.

Trong quý I/2018, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Đến ngày 20/3, cả nước có 3.289 xã, tương đương 36,84% được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 220 xã (2,47%) so với cuối năm 2017; có 47 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với cuối năm 2017.

Đây là kết quả khá ấn tượng so với mục tiêu đầu năm mà Bộ đặt ra là 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt 6,5-6,7%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt từ 40 - 40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu là: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể; đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.

Đặc biệt, năm nay, ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tại buổi họp báo các vụ, cục chức năng của Bộ NN&PTNT cũng giải đáp các vấn đề xung quanh tiêu thụ nhãn, vải ở miền Bắc tới đây, việc xử lý các sai phạm của kiểm lâm, nỗ lực khắc phục thẻ vàng của EU trong thủy sản…

Đỗ Hương

Báo điện tử Chính phủ


Đăng ký nhận tin
KienlongBank