Hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng đã lên đến 5,76%. Tín dụng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm là dấu hiệu khá tích cực, thể hiện sự hấp thụ tốt nguồn vốn của nền kinh tế. Song theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cũng có ý kiến đề nghị tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay bất động sản (BĐS), đặc biệt là thị trường BĐS phân khúc cao cấp để giảm thiểu nguy cơ “bong bóng” BĐS như thời gian trước đây.
Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra ở mức 6,7%. Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, với mức chỉ tiêu đặt ra như vậy, bắt buộc chúng ta phải đẩy tiền ra. Còn nếu thắt chặt chính sách tiền tệ thì rất khó để giúp cho tăng trưởng cán đích được. Ở thời điểm hiện tại, tăng trưởng quý I/2017 mới chỉ ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước - mức tăng thấp nhất so với những năm gần đây. Để chạm vào mốc 6,7% thì các quý còn lại trong năm phải tăng trung bình trên 7%, điều này cũng không phải đơn giản.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cho hay, NHNN cũng luôn định hướng TCTD đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trước đó, kết quả tăng trưởng kinh tế năm 2016 có đóng góp không nhỏ từ chính sách tiền tệ được NHNN điều hành theo định hướng nới lỏng có kiểm soát đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, kiểm soát tốt lạm phát.
Việc tăng trưởng tín dụng luôn đi song hành với rủi ro về nợ xấu. Chính vì thế ngoài việc yêu cầu các TCTD phải nâng cao chất lượng tín dụng thời gian qua, NHNN đã tăng cường quản lý thông qua việc ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài; hay Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với NH, chi nhánh NH... Có thể thấy NHNN đang rất quan tâm và chú trọng trong việc thúc đẩy các TCTD phải tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý rủi ro.
Nhưng để quản lý rủi ro được hiệu quả, thì chất lượng tín dụng phải được kiểm soát chặt chẽ. Đồng nghĩa với việc khi NH cho vay, phải định được sức khoẻ tài chính của khách hàng, cũng như nguồn hoàn trả. Có một thực tế được các chuyên gia nhìn nhận, rằng ở Việt Nam, báo cáo tài chính của nhiều khách hàng cá nhân cũng như DN còn nhiều thiếu sót. Nếu như thông tin về tài chính của các DN và người đi vay không đầy đủ, thậm chí ở mức thấp, thì các NH sẽ phải dựa vào đâu? Câu trả lời là tài sản đảm bảo (TSĐB), mà TSĐB phần lớn lại là BĐS.
Trong khi đó, thị trường BĐS là một thị trường lên xuống thất thường. Giá thị trường nhà đất Việt Nam đã trải qua 3 năm liền tăng trưởng, nên diễn biến thị trường BĐS năm 2017 theo nhiều chuyên gia vẫn rất khó phán đoán. Bởi nếu xét trong chu kỳ tăng trưởng phổ biến của BĐS Việt Nam, cứ 3 năm tăng trưởng (2013-2016) thì sẽ có 2 năm giảm tốc (có thể rơi vào giai đoạn 2017-2018) để nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng. Nếu kịch bản thị trường BĐS theo quy luật này thì năm nay giá BĐS sẽ vô cùng biến động, tăng độ rủi ro cho NH.
Thừa nhận việc đẩy mạnh tín dụng hiện nay là phù hợp, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc kiểm soát rủi ro, đo lường mức an toàn của tín dụng hiện tại là điều không dễ, nằm ở khâu thẩm định TSĐB của các NH là BĐS. Thông tin tài chính của khách hàng thiếu sót, khó xác định nguồn trả nợ dẫn tới việc không ít NH vẫn còn xem TSĐB là nguồn trả nợ, dựa vào đó cho vay.
“Bong bóng” tín dụng luôn là lo lắng thường trực mỗi khi tín dụng tăng cao, vì tăng trưởng càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn. Nhưng theo chuyên gia nếu chúng ta lo ngại lặp lại kịch bản tăng trưởng nóng như năm 2009 thì chưa có cơ sở. Vì hiện nay, thay vì chạy theo số lượng, chất lượng tín dụng mới là ưu tiên số một. Thời gian qua, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung ứng khoảng 70% vốn đầu tư cho nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, năm 2016, cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ hướng tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả, lĩnh vực ưu tiên. Đến nay, cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với tỷ trọng khoảng hơn 80%, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm (chiếm khoảng 50% tổng dư nợ). Trong đó, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 19%; tín dụng đối với DNNVV chiếm khoảng 22% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Để hỗ trợ cho tăng trưởng, cơ quan điều hành cũng khẳng định, thời gian tới tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát việc cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...