• English

Tin Kiên Long

Bầu Thắng và Cảng Quốc tế Long An: “Nếu không ai làm thì tôi ráng làm”

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đang hào hứng tiếp nhận thông tin Cảng Quốc tế Long An (tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã khánh thành giai đoạn 1, khởi công giai đoạn 2.

Nhân cơ hội này, chúng tôi đã được Chủ tịch HĐQT của Đồng Tâm Group (DTG) – “ông bầu” Võ Quốc Thắng thân tình chia sẻ về một tâm huyết, một niềm đam mê nữa của ông, bên cạnh gạch và bóng đá như chúng ta từng biết.

bau-thang-va-cang-quoc-te-long-an-1

PV: Thưa ông, có thể chia sẻ với chúng tôi lý do DTG đầu tư xây dựng Cảng Quốc tế Long An?

Ông Võ Quốc Thắng: Các bạn cũng biết, đất nước ta là một đất nước có lịch sử đấu tranh oai hùng nhưng cũng đầy mất mát. Để có được độc lập thống nhất, có được những ngày tháng hòa bình yên ổn làm ăn là xương máu của biết bao cha ông đã đổ xuống, biết bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh. Ngày nay, trách nhiệm của thế hệ chúng ta là “ăn quả nhớ người trồng cây”, là phải biết đền đáp công ơn của tổ tiên đã đổ công sức, mồ hôi và cả máu để lại cho chúng ta dải non sông gấm vóc. Chúng ta phải nỗ lực hết sức, dựng xây đất nước ngày càng trở nên tươi đẹp.

Gần 30 năm làm kinh doanh, tôi vẫn đau đáu trong lòng. Mình đã làm được gì cho đất nước, cho xã hội? Với nhận thức và thái độ sống bằng tinh thần trách nhiệm với tổ quốc, với xã hội, với đồng nghiệp, với gia đình và sau cùng là bản thân, tôi làm được gì thì tôi sẽ làm.

Về vùng đất Cần Giuộc quê tôi, nghe mấy chú mấy bác kể về truyền thống cách mạng nơi đây, nhớ lại thuở ấu thơ cực nhọc, nhìn cả một vùng đầm lầy hoang sơ nhiễm mặn,… Tôi cứ trăn trở: Mình phải làm gì?... Dự án Cảng Quốc tế Long An đã từng bước từng bước được hình thành sau những trăn trở như vậy.

PV: Có thể nói, tấm lòng của ông đối với quê hương chính là lý do lớn nhất?

Ông Võ Quốc Thắng: Nói vậy là đúng, nhưng cũng chưa đủ! Tôi đang làm gạch, làm bất động sản và các lĩnh vực vật liệu xây dựng khác. Gần 20 năm làm trong lĩnh vực khu công nghiệp, làm bóng đá, có một thời gian làm ngân hàng, rồi làm café Ông Bầu.

Giờ các bạn đã biết tôi cũng làm cảng. Tôi nghĩ làm cảng là đầu tư lâu dài, nghĩ tới lợi nhuận trước mắt như các ngành khác thì không làm được đâu! Mà phải nghĩ tới cái lớn hơn, đó là sự thay đổi của cả một vùng đất.

Cảng Cần Giuộc (Long An) quê tôi đã quy hoạch mấy chục năm nhưng vẫn chưa triển khai được! Tôi nghĩ: Nếu không ai làm thì tôi ráng làm! Ông bà cha mẹ tôi sinh ra lớn lên ở mảnh đất này, nay tôi có khả năng mà không làm thì tôi không chịu được!

Tôi quyết định nhận lại dự án này từ các nhà đầu tư trước đó với quyết tâm vì sự phát triển của quê hương, xứ sở. Nay cảng đã vận hành, cả vùng đất Cần Giuộc xung quanh đây thay da đổi thịt, giúp cho cuộc sống người dân trong vùng được cải thiện, giúp họ được hưởng những lợi ích từ hoạt động của cảng hôm nay và trong tương lai. Đó mới là quan trọng!

bau-thang-va-cang-quoc-te-long-an-2

PV: Những khó khăn, thuận lợi của ông trong quá trình xây dựng, đưa cảng vào khai thác là gì thưa ông? Và động lực đã giúp cho ông cùng tập thể DTG vượt qua mọi trở ngại, có được Cảng Quốc tế Long An quy mô như hôm nay?

Ông Võ Quốc Thắng: Lúc bắt đầu chính thức xây dựng cầu cảng số 1 rất vất vả, đến cầu cảng số 2, số 3 mới trôi chảy. Cảng xây dựng từ năm 2015, phải nói là làm ngày làm đêm! Đây là tâm huyết của tôi, và của cả Đồng Tâm Group. Tôi theo rất sát dự án. Nhiều lúc thi công suốt đêm, tôi mệt quá, đến 2-3h sáng vẫn còn ngồi trên những hàng cọc nhìn ra hướng biển, có công nhân lặng lẽ từ phía sau chụp được hình ảnh này mà tôi không biết. Đến mấy năm sau, ngày chuyến tàu quốc tế đầu tiên cập cảng, bạn ấy lại tình cờ chụp được hình ảnh tôi xúc động đứng trên cảng chờ đón con tàu. Bạn gửi cả 2 tấm hình cho tôi, như một lời chúc âm thầm. Tôi không biết nói gì hơn! Về đêm mở điện thoại ra xem, tôi rơi nước mắt!

Mỗi ngày nhìn vùng đất miền hạ quê tôi trước đây không trồng trọt gì được nay lại từng chút từng chút thay đổi, càng làm tôi hăng hái lao vào công việc. Bên cạnh đó chính là sự ủng hộ, quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước, của chính quyền tỉnh Long An, và của cả bà con trong vùng. Hầu hết bà con đều rất ủng hộ, đa số họ bàn giao lại mặt bằng cho nhà nước một cách trôi chảy, nhanh chóng. Nhà nước giao đất cho chúng tôi thuê để làm dự án cũng trên tinh thần rất hỗ trợ.

Chưa đầy 5 năm sau, chúng tôi đã hoàn tất giai đoạn 1 của Cảng Quốc tế Long An đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra, với diện tích 147ha, bao gồm: 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT với tổng chiều dài từ đầu cầu cảng số 1 đến cuối cầu cảng số 7 là: 1.670m; 07 bến sà lan; hệ thống nhà kho, kho ngoại quan; hệ thống Bãi container và các công trình phụ trợ khác… Riêng diện tích kho phục vụ lưu trữ tại cảng là hơn 400.000m2, phục vụ nhu cầu vận chuyển, lưu kho hàng nông thủy sản, phân bón, sắt thép… của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong khu vực Đông Nam Bộ, tập kết đóng hàng và phân phối bằng đường bộ, đường biển hoặc thủy nội địa.

Cảng Quốc tế Long An còn có khu liên hợp các khu công nghiệp, khu dịch vụ công nghiệp, khu đô thị, và các khu dịch vụ cảng biển, lưu trú,... Đến nay, đã xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với chiều dài 630m. Cho đến cuối năm 2019, trong quá trình vừa xây dựng vừa khai thác Cảng Quốc tế Long An đã đón gần 1.000 chuyến tàu trong và ngoài nước ra vào cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng 50.000 DWT.

PV: Hòa trong sự bề thế, chuyên nghiệp của Cảng Quốc tế Long An là hình ảnh cột cờ vươn cao với lá cờ tổ quốc đầy ấn tượng có thể nhìn thấy từ xa hàng kilomet, ông có thể cho biết lý do lại có công trình cột cờ quy mô như thế trong khuôn viên cảng?

bau-thang-va-cang-quoc-te-long-an-3

Ông Võ Quốc Thắng: Như tôi đã nói từ đầu, chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ ơn tổ tiên, nhờ xương máu của lớp lớp người đi trước. Tại vùng đất này có rất nhiều chiến sỹ cách mạng đã hy sinh. Tôi rất vui khi các bạn đến tham quan cảng lập tức đã thấy ấn tượng với hình ảnh lá cờ! Cột cờ này cao 63m, tượng trưng cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Lá cờ có diện tích 54m2, chính là đại diện cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em của cả Việt Nam.

Ba tôi, ông Võ Thành Lân khi thành lập công ty vào năm 1969 đã lấy tên thương hiệu “Đồng Tâm”, nghĩa là “đoàn kết”. Không đoàn kết thì sẽ không có sức mạnh. Tôi nói với mỗi cộng sự, mỗi nhân viên: Chúng ta phải sống tự tin, sống lạc quan và phải biết sống vì người khác. Mình vì người khác thì người khác mới có thể đến với mình.

Cảng Quốc tế Long An có được như hôm nay cũng vậy, cũng nhờ vào sự đoàn kết chặt chẽ, cả tập thể cùng nhau nỗ lực mới có được kết quả đúng tiến độ, chỉn chu thế này. Lá cờ giương cao đó, không chỉ là niềm tin, niềm tự hào của anh em cảng, anh em đồng tâm, mà tôi còn hy vọng nó như một ngọn hải đăng ấm áp. Bạn tưởng tượng anh em đi biển, hàng tháng trời lênh đênh chỉ thấy toàn nước là nước. Về gần đến đất liền, nhìn từ rất xa đã thấy ngọn cờ tổ quốc đỏ rực, như ngọn hải đăng dẫn dắt mỗi đứa con đi xa trở về quê hương, trở về nhà… Cảm động lắm! Chúng tôi muốn dùng tấm lòng của mình để chào đón những người con đi xa trở về, chứ không chỉ là một nhà cung cấp dịch vụ cảng biển phục vụ khách hàng.

PV: Là Chủ tịch Đồng Tâm Group, cố vấn của Ngân hàng Kiên Long - một trong những nhà sáng lập thương hiệu café Ông Bầu, tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều hiệp hội, giờ là nhà đầu tư khu công nghiệp - cảng biển,… có vẻ quá nhiều gánh nặng trên vai của ông?

Ông Võ Quốc Thắng: Đôi khi tôi tự hỏi mình tại sao phải lăn lộn như vậy? Nhiều bạn bè tôi thắc mắc: ông Thắng sống rất giản dị, không đặt nặng nhu cầu vật chất, điều kiện bây giờ cũng thoải mái, tại sao cứ lao đi làm?

Vả lại, muốn khai phá lĩnh vực mới là phải học, học nhiều lắm! Nhưng khi muốn dấn thân vào, tôi sẵn sàng bỏ ra 5-10 năm để tìm tòi, học hỏi. Hiểu cặn kẽ, cảm thấy chắc chắn rồi tôi sẽ làm. Khi làm, nhiều người thấy bất ngờ vì lĩnh vực đó khá xa lạ với những gì mà tôi đang vận hành.

Nhưng thật ra, tôi đã âm thầm nghiên cứu từ rất lâu rồi! Đến khi triển khai, tôi đến tận công trình, tận nhà máy, cùng làm với anh em. Tôi học từ mỗi một ngày làm việc, từ chính những người công nhân của mình.

Hơn nữa, làm việc chính là đam mê, là hạnh phúc của tôi. Như hiện tại tôi tự tin mình rất rành về cảng. Tôi thường nói với anh em đồng nghiệp: Hỏi tôi đi, hỏi tôi xem những cầu cảng đó được xây dựng bởi bao nhiêu cọc, bao nhiêu tấn bê-tông, trải qua những công đoạn gì, gian nan ra sao…? Tôi nói cho nghe!

Bên cạnh khu liên hợp Cảng Quốc tế Long An 1.935ha còn có khu công nghiệp Thuận Đạo (Bến Lức, Long An) đã hình thành từ năm 2002 với diện tích khoảng 800ha bao gồm 3 giai đoạn, đã triển khai 2 giai đoạn với quy mô 325ha, hiện khai thác được hơn 90% diện tích cho thuê, thu hút gần 60.000 lao động, có công ăn việc làm cho thanh niên, tăng thu nhập cho người dân… Nhìn hàng hóa từ khu công nghiệp xuất khẩu đi các nước trên những chuyến tàu khởi hành từ bến cảng Quốc tế Long An, tôi rất hạnh phúc!

PV: Nhắc đến khu công nghiệp, ông có thể cho biết thêm về lợi ích kinh tế, tiềm năng đóng góp cũng như kết nối phát triển các dịch vụ, khai thác hệ sinh thái cảng biển - khu công nghiệp và dịch vụ công nghiệp - khu đô thị của Cảng Quốc tế Long An trong mối quan hệ gắn kết với các cảng và khu công nghiệp, khu đô thị thuộc các vùng lân cận?

Ông Võ Quốc Thắng: Cảng Quốc tế Long An ký kết hợp tác chiến lược với các cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trước mắt là Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, sau đó sẽ có thêm nhiều cảng khác. Đó chính là nền tảng, mở ra tương lai phát triển lâu dài của Cảng, tạo điều kiện xúc tiến hợp tác, kết nối phát triển các dịch vụ, khai thác hệ sinh thái của nhau, giúp các doanh nghiệp có thể giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hóa hiệu quả trong hoạt động.

Tỉnh Long An cũng đã gần hoàn thiện tuyến Đường tỉnh 830, là 1 trong những công trình giao thông quan trọng, kết nối từ huyện Đức Hòa, qua Bến Lức, Cần Đước đến Cảng Quốc tế Long An, tạo ra hành lang giao thông kết nối vùng kinh tế, công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Bởi không phải vận chuyển nhiều lượt để đến những cảng xa hơn, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu vực lân cận Cảng Quốc tế Long An sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí logistics vùng nội địa, góp phần giảm ách tắc giao thông lưu thông qua Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ và ngành Giao thông và Vận tải nhằm hạn chế phương tiện giao thông trên đường bộ.

Có thể nói, trong tương lai, hiệu quả kinh tế mà Cảng mang lại cho cả vùng kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn!

PV: Qua những chia sẻ của ông về Cảng Quốc tế Long An, có thể thấy đây là một cảng biển Quốc tế tuy còn non trẻ nhưng đầy tiềm lực. Ông có thể phác thảo đôi nét về tương lai của khu Cảng biển Quốc tế này?

Ông Võ Quốc Thắng: Hiện nay, cảng Quốc tế Long An đã chính thức khởi công giai đoạn 2, xây dựng cầu cảng số 6, số 7, mục tiêu sớm đưa vào khai thác vào năm 2022. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý xin mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng vào năm 2024-2025; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m, trở thành một trong những cầu cảng Quốc tế có chiều dài bờ cảng lớn tại Việt Nam. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt khoảng 80 triệu tấn/năm.

Song song đó, chúng tôi cũng lên kế hoạch xây dựng cầu cảng hàng lỏng, chuyên dụng để phục vụ cho các tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác chuyên chở khí và dầu, xây dựng 1 trung tâm để đón tàu du lịch cỡ lớn và khách du lịch, đưa Cảng Quốc tế Long An trở thành một cảng biển đa năng, sầm uất.

Giấc mơ của tôi rất đơn giản! Tôi mong muốn nơi đây sẽ từ vùng đất hoang sơ đầm lầy nhiễm mặn trở thành một thành phố cảng tươi đẹp, có cảng biển quốc tế, có khu công nghiệp, khu dịch vụ công nghiệp, khu đô thị.

Và tôi mang trong mình một niềm tin chắc chắn, rằng mục tiêu đó trong tương lai không xa sẽ trở thành hiện thực. Thành phố cảng tươi đẹp ấy sẽ góp phần thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế trong khu vực ngày càng năng động, trở thành một trong những trọng tâm phát triển quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cùng hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, góp phần làm dân giàu, nước mạnh.

PV: Xin cảm ơn ông. Kính chúc ông cùng tập thể Đồng Tâm Group sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa!

Theo baoxaydung.com.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank