• English

Tin thị trường

Bất ngờ xu hướng tiền gửi tiết kiệm

Lần đầu tiên sau nhiều năm, tốc độ tăng huy động tiền gửi ở mức cao và nhanh hơn tăng trưởng tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM, cho biết trong 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP ước đạt 8,3% so với đầu năm, trong khi đó huy động vốn tăng tới 8,6%. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, huy động tăng nhanh và ở mức cao hơn so với tăng trưởng tín dụng.

Đây là kết quả của việc dòng vốn nhàn rỗi đổ vào NH thương mại, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, có phần đến từ việc các NH thương mại liên tục đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ, trong đó đa dạng sản phẩm tiền gửi như phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút thêm nguồn vốn.

"Thanh khoản của các NH thương mại rất dồi dào, lãi suất liên NH ở mức thấp nhưng động thái tăng lãi suất tiền gửi của một số NH, nhất là các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối giữa huy động và cho vay, mất cân đối kỳ hạn theo yêu cầu thông tư 41 của NHNN, bảo đảm an toàn hoạt động vốn NH" - ông Nguyễn Hoàng Minh lý giải.

Gửi tiết kiệm kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao được nhiều người lựa chọn. Ảnh: Linh Anh

Lãi suất huy động liên tục nhích lên thời gian qua góp phần khiến người dân tiếp tục chọn kênh gửi tiết kiệm cho dòng tiền nhàn rỗi của mình. Đặc biệt, xu hướng gửi tiền của người dân cũng thay đổi, tập trung nhiều hơn vào các kỳ hạn dài nhằm hưởng lợi từ lãi suất cao. Chẳng hạn, hiện nhiều NH thương mại đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên tới 8,5-9%/năm, thậm chí một số NH huy động vốn qua kênh chứng chỉ tiền gửi với lãi suất vượt mốc 10%/năm.

Chị Ngọc Thanh, ngụ quận Tân Bình, TP HCM, cho biết chị chọn mua chứng chỉ tiền gửi của một NH cổ phần tại TP HCM, kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 8,5%/năm. "Mức lãi suất này khá ổn và cạnh tranh nên tôi chọn, trong điều kiện nguồn tiền nhàn rỗi chỉ vài trăm triệu đồng" - chị Thanh giải thích.

Số liệu của NHNN Chi nhánh TP HCM cũng phản ánh thực tế xu hướng này. Cụ thể, trong cơ cấu vốn huy động của các NH, 73% là tiền gửi ngắn hạn, 27% là tiền gửi trung dài hạn. Riêng nguồn tiền gửi trung dài hạn đã tăng thêm 6%, từ mức chỉ chiếm tỉ trọng 21% trong tổng nguồn vốn huy động hồi đầu năm.

Theo các chuyên gia, dòng tiền gửi trung dài hạn đổ vào hệ thống NH thương mại giúp khắc phục tình trạng lệch pha nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, đồng thời thêm cơ hội cho các doanh nghiệp được vay vốn dài hạn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Trong xu hướng nhích lên của lãi suất huy động, nhiều doanh nghiệp và thị trường băn khoăn về áp lực lãi suất cho vay sẽ tăng theo? Lãnh đạo một số NH thương mại cho rằng thực tế động thái tăng lãi suất không phải vì thiếu thanh khoản nên không gây áp lực lên lãi vay. Nếu có, lãi suất cho vay sẽ tăng với một số lĩnh vực không khuyến khích hoặc cho vay khách hàng cá nhân, riêng lãi vay với doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở các lĩnh vực ưu tiên sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí NH thương mại được yêu cầu phấn đấu giảm.

Vốn vẫn đổ vào bất động sản

Dù chủ trương của NHNN là siết vốn vào bất động sản nhưng số liệu thực tế cho thấy tín dụng vào bất động sản vẫn tăng trong 8 tháng đầu năm và tỉ trọng cho vay bất động sản trong tổng dư nợ tại TP HCM không biến động nhiều. Cụ thể, theo số liệu của NHNN chi nhánh TP, đến nay tín dụng bất động sản vẫn chiếm khoảng 10,8% tổng dư nợ, tỉ lệ này như những năm trước. Lý giải của các NH thương mại, chủ trương của NHNN là siết vốn vào bất động sản nhưng chỉ đối với các dự án không bảo đảm tính khả thi, có rủi ro, riêng đối với những bất động sản cho người thu nhập thấp, trung bình và có khả năng hấp thụ thì vẫn không thay đổi.

Theo nld.com.vn


Đăng ký nhận tin
KienlongBank