• English

Tin thị trường

Bảo vệ môi trường tốt hơn thông qua chính sách thuế

(TBTCVN) - Ngày 13/9/2017, theo chương trình tại phiên họp lần thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trước khi Quốc hội chính thức thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, khai mạc vào tháng 10 tới.
  

Đại diện Bộ Tài chính, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo cho biết, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, một số nội dung của Luật Thuế BVMT năm 2010 không còn phù hợp với thực tế; một số nội dung khác cần được bổ sung để đáp ứng yêu cầu BVMT và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thuế BVMT là cần thiết.                            

Việt Nam đã chi cho mục đích bảo vệ môi trường lớn hơn thu 

Tại một hội thảo chuyên đề về thuế BVMT gần đây, Tiến sĩ Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) cho rằng, những ai sử dụng phương tiện tiêu hao năng lượng ảnh hưởng đến môi trường thì đều phải nộp thuế. Thông qua chính sách thuế mới đạt mục tiêu BVMT tốt hơn.

“Trong quá trình điều chỉnh và tiếp tục phát triển hệ thống thuế, thuế BVMT có một vai trò nổi bật, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã quyết định tăng trưởng theo hướng bền vững. Do vậy cần tăng thuế đối với việc sử dụng tài nguyên và như vậy cũng bao gồm tất cả các chi phí ngoại vi phát sinh. Một mặt sẽ giúp giảm bớt việc sử dụng tài nguyên, mặt khác người sử dụng sẽ phải trả giá cao hơn thông qua thuế đối với thiệt hại môi trường bị gây ra”- 
Ông Michael Krakowski, Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức

“Chúng ta thực hiện thu thuế BVMT không chỉ dùng cho mục đích BVMT mà thuế đạt hai mục tiêu: Tài trợ cho các hoạt động môi trường và tạo dư địa để Nhà nước tài trợ cho các hoạt động khác liên quan. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng đã có định nghĩa cụ thể thế nào là khoản chi cho hoạt động môi trường; đối với chúng tôi, tất cả khoản chi cho các hoạt động liên quan như đầu tư xây dựng tàu điện ngầm, tàu điện trên cao... cũng là những khoản chi về mục đích môi trường. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã chi cho mục đích môi trường đang lớn hơn khoản thu được”, ông Michael Krakowski nói.

Trên thực tế, theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu thuế BVMT liên tục tăng ổn định qua các năm từ năm 2012 đến năm 2016. Tổng số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 - 2016 khoảng 105.985 tỷ đồng, bình quân khoảng 21.197 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 1,48% - 4,27% trên tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) và khoảng 0,34% - 0,98% trên GDP hàng năm. Trong đó: năm 2012 là 11.160 tỷ đồng; năm 2013 là 11.512 tỷ đồng; năm 2014 là 11.970 tỷ đồng; năm 2015 là 27.020 tỷ đồng; năm 2016 khoảng 44.323 tỷ đồng.

Khoản thu từ thuế BVMT không phải là khoản thu mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp, không quy định sử dụng cho các nhiệm vụ chi cụ thể mà để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN và được Quốc hội phê duyệt hàng năm.

Luật NSNN quy định các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối NSNN, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.

Tổng chi NSNN cho các nhiệm vụ BVMT giai đoạn 2012 - 2016 (bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào NSNN để chi thường xuyên cho BVMT hoặc chi đầu tư phát triển BVMT; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương (NSĐP) cho các nhiệm vụ BVMT và các khoản vay, viện trợ chi trực tiếp cho dự án về BVMT không đưa vào NSNN) khoảng 131.857 tỷ đồng, bình quân khoảng 26.371 tỷ đồng/năm, cao hơn số thu thuế BVMT giai đoạn 2012 - 2016. Ngoài ra, còn một số nội dung, nhiệm vụ do NSNN chi trả góp phần BVMT như: Các dự án, chương trình khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ xanh, bền vững,...

Điều chỉnh biểu khung và thời điểm tính thuế

Thực hiện mục tiêu cải cách chính sách thuế BVMT, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ; phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, tại lần sửa đổi này, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thuế BVMT về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, phương pháp tính thuế, biểu khung thuế, thời điểm tính thuế và hoàn thuế.

Trong đó, khung thuế BVMT đối với xăng dầu được đề nghị như sau: Mức thuế tối thiểu điều chỉnh tăng bằng mức thuế cụ thể đang áp dụng; mức thuế tối đa điều chỉnh tăng bằng 2 lần mức thuế tối đa trong khung thuế hiện hành (không áp dụng lộ trình). Riêng đối với dầu hỏa, đề nghị giữ khung thuế BVMT như hiện hành vì dầu hỏa là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đa số người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. 

Cơ sở cho đề nghị này được tính toán dựa trên các yếu tố như thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do; chủ động ứng phó khi giá dầu thế giới có biến động bất thường, khó lường; xăng dầu là sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Đặc biệt, tỷ lệ thuế (gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp. Cụ thể: 37,49% đối với xăng; 20,76% đối với dầu diesel; 11,59% đối với dầu hỏa; và 19,13% đối với dầu mazút, thấp hơn so với nhiều nước (Hàn Quốc khoảng 70,3%, Campuchia khoảng 40%, Lào khoảng 56%, Philipines khoảng 62%, Nga khoảng 52%, Mỹ khoảng 53%, Hồng Kông khoảng 83%, Thái Lan khoảng 67%).

Bên cạnh đó tại lần sửa đổi này, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung quy định về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu sinh học để góp phần hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, khuyến khích sản xuất sử dụng nhiên liệu sinh học (trong đó có xăng E5, E10) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, điều chỉnh khung thuế BVMT đối với dung dịch HCFC theo Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ô dôn; điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông để góp phần thực hiện mục tiêu giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong tiêu dùng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, để khắc phục những vướng mắc trong thực hiện các quy định hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi nội dung quy định về thời điểm tính thuế đối với xăng dầu. Cụ thể, đối với xăng dầu nhập khẩu: Đơn vị nhập khẩu xăng dầu khai, nộp thuế BVMT ngay tại khâu nhập khẩu (số thu điều tiết ngân sách trung ương 100%).

Đối với xăng dầu sản xuất trong nước: Các công ty sản xuất xăng dầu trong nước thực hiện khai, nộp thuế BVMT khi xuất bán các sản phẩm xăng dầu do công ty trực tiếp sản xuất. Trên cơ sở tổng số thuế BVMT thu từ các công ty sản xuất xăng dầu trong nước, sẽ thực hiện phân chia cho các địa phương trên cơ sở sản lượng xăng dầu thực tế tiêu thụ ở địa phương đó.

Hoàng Lâm/ Thời Báo Tài chính Việt Nam

Đăng ký nhận tin
KienlongBank