Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp vừa được ban hành sẽ góp phần giúp ổn định nền nông nghiệp Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh Thuỳ Linh.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Phổ biến chính sách về Bảo hiểm nông nghiệp do Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính), Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức sáng 12/8.
Kết quả thí điểm tích cực
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2011-2013, được triển khai thí điểm đối với cây trồng (cây lúa), vật nuôi (trâu, bò, gia cầm) và thủy sản (tôm, cá tra) tại địa bàn 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau 3 năm thực hiện (2011-2013), chương trình thí điểm đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, đến nay đã thiết lập được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp; hình thành được 3 sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp bao gồm cây lúa, vật nuôi và thủy sản phù hợp với đặc tính của từng loại cây trồng, vật nuôi.
“Chương trình thí điểm đã thu hút các hộ dân ở các huyện, xã được lựa chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của 20 tỉnh, thành phố tham gia. Đồng thời, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường bảo hiểm kịp thời cho các hộ khi xảy ra tổn thất do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, góp phần giúp hộ dân ổn định đời sống và có điều kiện tiếp tục sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Quang Huyền thông tin.
Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Huyền, quá trình triển khai thí điểm đã có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sự ủng hộ của các địa phương, nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai.
Thực tế, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khoảng 2,55%/năm. Ảnh Internet.
Không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm
Trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm giai đoạn 2011-2013, tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Bùi Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Quản lý, giám sát Bảo hiểm Phi nhân thọ, Cục Quản lý giám sát Bảo hiểm, thực tế, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khoảng 2,55%/năm. Cùng với đó, giá trị gia tăng của ngành này đang chiếm 15% GDP; giá trị xuất khẩu nông sản đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng, Việt Nam chịu nhiều thiên tai. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đơn cử như trong giai đoạn 1989 -2013, những rủi ro do thiên tai gây ra đã gây thiệt hại về kinh tế 0,9% GDP/năm (khoảng 40.000 tỷ đồng). Rủi ro về dịch bệnh cũng gây thiệt hại lớn đối với phát triển nông nghiệp.
Chính vì vậy, Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp ra đời với mục tiêu giúp GDP nông nghiệp tăng 3%/năm và hỗ trợ 15.000 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đồng thời, Nghị định sẽ giúp định hướng cơ cấu lại sản phẩm và cơ cấu lại theo vùng.
Theo quy định tại Nghị định 58, bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp của Chính phủ.
Ông Bùi Thanh Hải cho biết, để chính sách bảo hiểm nông nghiệp thực hiện hiệu quả, cần có sự quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền địa phương; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn về nông nghiệp tại cơ sở với các doanh nghiệp bảo hiểm và sự hỗ trợ, vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp tại cơ sở.
Nghị định 58 quy định, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp bao gồm: Cây trồng (Cây lúa); Vật nuôi (Trâu, bò); Nuôi trồng thủy sản (Tôm sú, tôm thẻ chân trắng).
Nghị định 58 cũng quy định mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp như sau: Cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo (90% phí bảo hiểm nông nghiệp); Cá nhân sản xuất nông nghiệp khác (20% phí bảo hiểm nông nghiệp); Tổ chức sản xuất nông nghiệp đáp ứng các điều kiện cụ thể về hợp tác, liên kết, quy mô lớn có ứng dụng công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới nền nông nghiệp sach, công nghệ cao, thân thiện với môi trường (20% phí bảo hiểm nông nghiệp).
Về rủi ro được bảo hiểm được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp: Đối với cây lúa và trâu, bò, hỗ trợ rủi ro thiên tai và một số dịch bệnh; Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, hỗ trợ rủi ro thiên tai (Thiên tai và dịch bệnh phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Về địa bàn được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp: Đối với cây lúa tại 7 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp); Đối với trâu, bò tại 8 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương); Đối với tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 5 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau).
Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực (26/6/2019) đến hết ngày 31/12/2020.
Theo haiquanonline.com.vn