Theo đó, Bộ Tài chính tổng hợp và lập báo cáo về nợ công theo các mẫu biểu quy định tại Phụ lục I đính kèm Thông tư này. UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp và lập báo cáo về nợ chính quyền địa phương theo các Mẫu biểu quy định tại Phụ lục II.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp và cung cấp cho Bộ Tài chính các báo cáo về các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp, theo các mẫu biểu quy định tại Phụ lục IVđính kèm Thông tư này.
Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo các mẫu biểu công khai thông tin tại Phụ lục V . Trong đó, bao gồm: Các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; vay và trả nợ của Chính phủ; vay và trả nợ được Chính phủ bảo lãnh; vay và trả nợ trong nước của chính quyền địa phương; vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia.
UBND cấp tỉnh thực hiện công khai thông tin về vay và trả nợ của chính quyền địa phương, bao gồm: Vay Ngân hàng phát triển Việt Nam, tạm ứng ngân quỹ nhà nước; phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay khác của chính quyền địa phương.
Về thời hạn báo cáo và công khai thông tin về nợ công, đối với các báo cáo định kỳ hàng quý, các đơn vị lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Đối với các báo cáo tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, các đơn vị gửi trước ngày 31/7 hàng năm. Trường hợp các báo cáo tình hình thực hiện hàng năm, các đơn vị gửi văn bản về Bộ Tài chính trước ngày 15/2 của năm sau.
Bộ Tài chính tổng hợp các báo cáo về nợ công báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đồng thời gửi các cơ quan có liên quan theo quy định của Luật Quản lý nợ công và các quy định liên quan.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/1/2018 và áp dụng cho việc lập các báo cáo năm của năm 2017./.