• English

Tin thị trường

Bản lĩnh trước những khoản vay

Bội chi thấp, áp lực nợ công giảm mạnh

“Diễn biến của một số chỉ tiêu kinh tế cho thấy mức độ ổn định của nền kinh tế đang có sự cải thiện rõ rệt. Trong đó đặc biệt là lần đầu tiên bội chi ngân sách thấp hơn mức Quốc hội cho phép, áp lực nợ công cũng giảm mạnh”, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam bình luận.

Có thể nói mười năm qua, đây là lần đầu tiên những người quản lý ngân khố quốc gia có được tiếng thở phào nhẹ nhõm và Chính phủ cũng như người dân đã thoát được tâm trạng căng thẳng vì ngân khố và nợ nần quốc gia. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, bội chi ngân sách ít hơn mức Quốc hội cho phép tới 4.000 tỷ đồng (bội chi  là 74.000 tỷ đồng, mức Quốc hội cho phép là 78.000 tỷ đồng) bằng 3,48% GDP. Tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng giảm từ mức gần 70% xuống còn 64,9% năm 2017, tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên.

Nợ công cũng giảm mạnh từ mức ngấp nghé đụng trần 65% GDP đã giảm còn hơn 61,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,6% GDP, dư nợ Chính phủ bảo lãnh 9,1% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% GDP, đảm bảo trong phạm vi giới hạn cho phép.

Tốc độ tăng nợ cũng giảm, 2011-2015 tăng trưởng nợ công trung bình đạt 18,4%, thì năm 2016 tốc độ tăng đã giảm xuống 15% và năm 2017 tiếp tục giảm mạnh xuống còn 9%. Cơ cấu nợ dịch chuyển tích cực, kỳ hạn dài và lãi suất thấp…  Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tự tin nói rằng: “Việt Nam đã đủ bản lĩnh để từ chối những khoản vay lãi cao, hiệu quả thấp”. 

 Cơ cấu nợ cũng có thay đổi tích cực. Trong các năm 2011-2013, trong tổng số nợ công, nợ nước ngoài chiếm tới 60%, nợ trong nước chỉ 40%, đến nay, nợ nước ngoài chỉ bằng 40% tổng nợ công, 60% là nợ trong nước. Như vậy, chúng ta đang đi rất đúng hướng, bước đầu đã đạt được kết quả vô cùng quan trọng trong việc tái cơ cấu nợ công. 

Chúng ta đã tiến hành cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cũng như nghĩa vụ nợ của nợ công. Những năm 2011- 2013, có những khoản trái phiếu phát hành với lãi suất tới 11% - 13%/năm mà kỳ hạn thì ngắn chỉ 2-3 năm. Chúng ta đã trả hết những khoản này, lãi suất trái phiếu hiện nay đã giảm một nửa, và kỳ hạn thì dài gấp 3 năm 2013. Hiện 100% trái phiếu Chính phủ được phát hành trên 5 năm và kỳ hạn bình quân 13,52 năm với lãi suất bình quân 6,07%/năm.  Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2017 tăng 4,81 năm so năm 2016 và  lãi suất bình quân năm 2017 giảm 0,2%/năm so với năm 2016.

 Bộ trưởng cho biết, trong cơ cấu lại nợ công, chúng tôi đã cơ cấu lại các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ với chính sách thu hút các công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài đầu tư trái phiếu, đưa Quỹ Bảo hiểm xã hội Việt Nam trở thành nhà đầu tư trái phiếu. Nhờ đó, nếu những năm trước có tới 70-80% số trái phiếu do các ngân hàng thương mại mua thì đến nay các ngân hàng thương mại chỉ nắm giữ 54% số trái phiếu.

Sẽ có 7 nghị định về quản lý nợ công

Một thay đổi lớn nữa trong quản lý nợ công, đó là thay vì các khoản vay ODA được cấp phát hết như trước đây thì nay áp dụng phương thức “vay về cho vay lại” để tăng cường và đề cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân, các cấp, các ngành trong quản lý nguồn vốn vay. Bảo lãnh Chính phủ cũng được siết chặt, trong các năm 2016-2017 gần như không cấp bảo lãnh mới từ đó, làm cho đỉnh nợ công bị kéo xuống và làm cho trái phiếu Chính phủ, hay nợ công dài ra, làm nghĩa vụ nợ giảm xuống.

“Bội chi ngân sách và nợ công giảm đang dần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới”,  GS. Nguyễn Quang Thuấn bình luận.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Tài chính vẫn còn nhiều điều chưa thấy hài lòng trước những tồn tại như: Tổng thu cân đối NSNN vượt dự toán Quốc hội giao nhưng một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh không hoàn thành, thu ngân sách Trung ương khó khăn, một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách cần có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Công tác xử lý thuế nợ đọng chưa đạt kết quả mong muốn. Giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm, đến hết năm 2017 nguồn vốn NSNN mới giải ngân được khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 23,5% dự toán…

Và năm 2018 đến với nhiều triển vọng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với những người quản lý ngân sách quốc gia khi sẽ có những tác động bất lợi từ cả môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế và nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm thuế mạnh nhất trong khi chi thì vẫn luôn luôn cần tăng. 

Chia sẻ về công việc của năm, Bộ trưởng cho biết: Chúng tôi sẽ điều hành chính sách tài khóa thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ, điều hành ngân quỹ và cân đối ngoại tệ, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi NSNN. Chúng tôi sẽ quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, để giảm bội chi NSNN. Bội chi NSNN sẽ được kiểm soát chặt ở mức 3,7% GDP. 

Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn; không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN. Thực hiện đánh giá đầy đủ tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Bộ cũng đang tiếp tục xây dựng trình Chính phủ 7 Nghị định để cụ thể hóa Luật Quản lý nợ công. Đây là việc rất quan trọng để làm hành lang quản lý trong trung và dài hạn trong thời gian tới đây về nợ công.


Đăng ký nhận tin
KienlongBank