Đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4 và được tích hợp toàn bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa ký quyết định phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ. Đồng thời phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.
Theo chiến lược này, đến năm 2025, sẽ có 100% các dịch vụ công của Ngân hàng Nhà nước đủ điều kiện được nâng cấp lên mức độ 4; 100% dịch vụ công mức độ 4 được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 90% hồ sơ công việc tại Ngân hàng Nhà nước được xử lý và lưu trữ trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Ít nhất 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có tối thiểu 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, tối thiểu 50% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử và tối thiểu 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số (kênh tiếp xúc giữa khách hàng với ngân hàng có kết nối mạng internet).
Chiến lược cũng đặt kỳ vọng tối thiểu 60% tổ chức tín dụng có tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 30%; tối thiểu 50% quyết định giải ngân, cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động và tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại tổ chức tín dụng được xử lý và lưu trữ trên môi trường số (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
Mục tiêu cơ bản đến năm 2030 của chiến lược này sẽ có ít nhất 70% hoạt động kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của Ngân hàng Nhà nước và đối với tổ chức tín dụng sẽ có ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số
Để thực hiện chiến lược này, theo Ngân hàng Nhà nước, cần chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tăng cường kiến thức về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực được phụ trách; Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với chiến lược phát triển, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện của từng cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất công bố và tổ chức sự kiện “Ngày chuyển đổi số” hàng năm của ngành Ngân hàng; Xây dựng các chương trình truyền thông, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hoạt động, sự kiện nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp để tăng cường kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính, nâng cao hiểu biết trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề cập việc hiện đại hóa hạ tầng thanh toán, nâng cao khả năng kết nối, liên thông như nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), hướng tới vận hành theo các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường khả năng kết nối liên thông với hệ thống khác trong nền kinh tế và sẵn sàng kết nối hệ thống thanh toán tổng tức thời (RTGS) của các quốc gia trong khu vực theo lộ trình phù hợp; Mở rộng và phát triển Hệ thống chuyển mạch và bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán thống nhất, đồng bộ, có khả năng: tích hợp, kết nối các ngành, lĩnh vực khác, từ đó mở rộng hệ sinh thái số và triển khai các dịch vụ thanh toán 24/7; hỗ trợ xử lý các phương thức thanh toán, mô hình kết nối mới (thanh toán thông qua mã phản hồi nhanh QR, các giao dịch ví điện tử, tiền di động, thanh toán thẻ, tài khoản thanh toán,...); kết nối, liên thông cho các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề cần được Luật hóa để phù hợp với thực tiễn và xu hướng ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, từng bước tạo lập nền tảng pháp lý vững chắc cho việc hình thành và phát triển các mô hình ngân hàng số cũng là một trong những giải pháp mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất cần có chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin và kỹ năng về chuyển đổi số, cũng như thường xuyên triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho nhân lực ngành ngân hàng.
Đồng thời sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành Ngân hàng - Tài chính về các nội dung nghiệp vụ ngân hàng gắn với hoạt động chuyển đổi số và mô hình ngân hàng số.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 11/5/2021.
Theo thi truongtaichinhtiente.vn