Hội nghị này được tổ chức để triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSC tới các sở tài chính các địa phương trên cả nước ngay sau hội nghị được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/7 vừa qua cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm UBTCNS của Quốc hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và đại diện các cơ quan của Quốc hội cùng đại diện cho 63 Sở Tài chính các địa phương trên cả nước.
Thừa ủy quyền lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản chủ trì hội nghị đã giới thiệu về Luật quản lý, sử dụng TSC. Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý Công sản giới thiệu dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật quản lý, sử dụng TSC; giới thiệu các văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công; dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng hạ tầng thủy lợi; Nghị định quy định trình tự, thủ tục sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức hợp đồng BT; giới thiệu dự thảo Nghị định quản lý sử dụng hạ tầng hàng hải.
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều cho rằng dự thảo Nghị định thi hành Luật quản lý, sử dụng TSC đã được soạn thảo rất công phu, chi tiết, tuy nhiên, vẫn cần phải làm rõ thêm một số điểm để thực hiện.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho rằng đối với quy định về “thẩm quyền bán trụ sở làm việc” theo Điều 22 đối với cơ quan nhà nước thuộc địa phương quản lý thì nên theo Phương án 1 quy định HĐND cấp tỉnh bán nhưng bỏ cụm “trụ sở UBND cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh” vì 2 trụ sở này cũng chỉ là trụ sở cơ quan nhà nước ở địa phương. Sở Tài chính Hà Nội cũng cho rằng cần bổ sung quy định trường hợp nếu trúng đấu giá không mua thì cần đấu giá lại để tránh tình trạng thông đồng giữa cá nhà thầu gây thiệt hại cho nhà nước. Đối với quy định về tài sản tạm giữ, nhiều ý kiến cho rằng không nên chọn 1 trong 3 phương án như trong dự thảo vì quy định như vậy không hợp lý và sẽ khó cho cơ quan tài chính mà nên phân cấp quản lý, tài sản tạm giữ ở cấp nào thì tài khoản tạm giữ ở cấp đó.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm UBTCNS của QH cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm quy định về việc phải nộp về ngân sách nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng được phép mang tài sản nhà nước đi kinh doanh “ví dụ như hệ thống nhà khách, khách sạn của các cơ quan bộ ngành như VPQH, Nhà khách TLĐLĐVN, Nhà khách Chính phủ….được nhà nước đầu tư lớn bằng tiền ngân sách, doanh thu đến 90-95% là từ bên ngoài, chỉ có khoảng 5-10% là thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng lại được ưu đãi thuế là không hợp lý và cần phải nghiên cứu thêm”-ông Quang nói.
Hội nghị tiếp tục làm việc đến hết ngày 28/7./.