• English

Tin thị trường

9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương trong năm mới

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh  nêu cụ thể 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của ngành. 

Sáng nay (15/1), Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2017 là một năm nhiều thử thách nhưng cũng là năm đánh dấu bước chuyển khá căn bản của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên mà tất cả các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao đều thực hiện đạt và vượt, trong đó nhiều chỉ tiêu có mức vượt xa yêu cầu đề ra.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4% (năm 2016 chỉ tăng 7,4%) vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đưa ra.

Năm 2017 là năm đặc biệt đánh dấu thành công trong lĩnh vực xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỉ USD, tăng trưởng trên 21%. Ngoài ra, năm 2017 cũng đánh dấu bước chuyển biến tích cực, đi đầu của ngành Công Thương khi đã tiên phong cắt giảm và đơn giản hoá hàng loạt thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh; tinh giản thu gọn bộ máy và cơ cấu lại nhân sự cho phù hợp và hiệu quả hơn...

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết theo tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, Bộ Công Thương đã tiến hành những bước cải cách mạnh mẽ trên quan điểm toàn diện cải cách tổ chức bộ máy, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc Bộ.

Nhưng điều quan trọng hơn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay kết thúc năm 2017, Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng, tương đương giảm 36,5% số phòng trong toàn Bộ.

Bộ cũng đã thực hiện lộ trình cắt giảm 675 điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương); cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 508 thủ tục hành chính của Bộ...

Mặc dù vậy, ngành cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề ra hướng khắc phục cả trước mắt và chiến lược lâu dài. Điển hình như việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả...

Nhiệm vụ năm 2018 được ngành đề ra là phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

9 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nêu 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 của ngành Công Thương, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương.

Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng; lấy tiêu chí nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Thứ ba, Bộ cũng sẽ rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững; nhất là vấn đề về cơ cấu năng lượng tái tạo và năng lượng không tái tạo; tìm kiếm và khai thác dầu khí, than đá...

Thứ tư, tập trung hoàn thành việc xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, bảo đảm đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở các dự án này theo đúng lộ trình và phương án xử lý đã được phê duyệt.

Thứ năm, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước.

Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế.

Thứ sáu, thực hiện đổi mới một cách căn bản công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn.

Tập trung khai thác tốt các FTAs đã hoàn thành đàm phán, ký kết và có liệu lực thực thi. Tính toán lại chiến lược đàm phán các FTAs tiếp theo để bảo đảm lợi ích cao hơn cho đất nước trong bối cảnh mới.

Thứ bảy, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước.

Thứ tám, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Thứ chín, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phan Trang/  Báo Chính Phủ

Đăng ký nhận tin
KienlongBank