(Chinhphu.vn) - Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương cơ bản được bảo đảm; trong đó bội chi ngân sách Trung ương tháng 8 ước đạt 16 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ước đạt 97,2 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 56,4% dự toán năm. Đáng chú ý, công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong tháng 8 tiếp tục có chuyển biến tích cực.
Theo số liệu Bộ Tài chính vừa cập nhật, công bố về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN), tổng thu cân đối NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 78,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 762,8 nghìn tỷ đồng bằng 62,9% dự toán năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, thu nội địạ ước đạt 59,76 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 30,9 nghìn tỷ đồng so với tháng 7.
Luỹ kế thu nội địa 8 tháng ước đạt 603,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu tiến độ đạt khá so với dự toán năm và cùng kỳ năm trước là thuế thu nhập cá nhân đạt 68,6% dự toán năm, tăng 20,9%; thu phí và lệ phí đạt 73,5% dự toán năm, tăng 52,6%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 83,7% dự toán năm, tăng 11,9%. Riêng các khoản thu về nhà, đất đã vượt dự toán năm (đạt 108,6%) và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 63% dự toán năm trở lên; trong đó, không kể thu tiền sử dụng đất và thu XSKT thì có 18 địa phương đạt trên 70% dự toán năm; 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán năm (dưới 63%); 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan. Trong đó, Quảng Ngãi do không còn áp dụng cơ chế thu điều tiết đối với Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Vĩnh Phúc do giảm thu từ hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô; Thái Bình chủ yếu do giảm thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng, dầu; Thanh Hóa giảm thu từ thuế nhà thầu của tổ hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu giảm thu từ các công ty thủy điện.
Thu từ dầu thô ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 930 tỷ đồng so với tháng 7. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 7/2017 dao động ở mức 48-50 USD/thùng; do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 50 USD/thùng, bằng giá tính dự toán; sản lượng thanh toán tháng 8 ước đạt khoảng 1,13 triệu tấn.
Lũy kế thu dầu thô 8 tháng ước đạt 29,97 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với tháng 7, nhờ kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn cho NSNN tăng như: so với tháng 7, trị giá kim ngạch nhập khẩu tháng 8 mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 8,5%; sắt thép các loại tăng 14,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,7%...
Luỹ kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 190,78 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN tháng 8 ước 98,4 nghìn tỷ đồng, luỹ kế chi 8 tháng đạt 793,56 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chi đầu tư phát triển thực hiện tháng 8 ước 17,67 nghìn tỷ đồng, lũy kế chi 8 tháng đạt khoảng 137 nghìn tỷ đồng, bằng 38,4% dự toán, tăng 9,9% cùng kỳ năm 2016, trong đó chi cấp bù chênh lệch lãi suất thực hiện chính sách tín dụng nhà nước cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt 73,1% dự toán.
Công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong tháng 8 tiếp tục có chuyển biến, lũy kế 8 tháng vốn đầu tư XDCB nguồn NSNN giải ngân ước đạt 43,8% dự toán (cùng kỳ năm 2016 đạt 43,2% dự toán). Vốn trái phiếu Chính phủ, do kế hoạch năm 2017 mới giao được 5,2/50 nghìn tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội quyết định, vốn giải ngân đến nay chỉ đạt 2,46 nghìn tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 47,3% dự toán đã giao (cùng kỳ năm 2016 đạt 32,4% dự toán).
Theo Bộ Tài chính đánh giá, nhìn chung, nhiệm vụ chi ngân sách cơ bản được bảo đảm theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Nguồn dự phòng NSNN được điều hành, sử dụng chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Huy Thắng/ Báo Chính Phủ