Lịch sử ngân hàng Việt Nam ghi lại sự biến đổi mạnh mẽ từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội của đổi mới khi lần đầu tiên thừa nhận tại Việt Nam có một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, là một đặc trưng của thời kỳ quá độ...
Tiếp quản, thống nhất
Từ tháng 3/1975, trước khi mở chiến dịch Tổng tiến công vào Sài Gòn, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị chuẩn bị tiếp quản và phương hướng giải quyết các vấn đề kinh tế ở vùng mới giải phóng. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, ngày 19/4/1975, Trung ương Cục ở miền Nam có Chỉ thị, trong đó nêu rõ: “Gấp rút chuẩn bị bộ máy tiếp quản hệ thống ngân hàng, tín dụng, quản lý các kho tiền và kim khí quý, nắm tình hình hoạt động ngân hàng tín dụng qua hồ sơ tài liệu và các nguồn khai thác. Nghiên cứu đề xuất giải quyết các đề nghị rút tiền hoặc thanh toán liên ngân hàng. Theo dõi tình hình biến động tiền tệ trên thị trường, phát hiện kịp thời các thủ đoạn chống phá của địch phá rối thị trường tiền tệ…”.
Lịch sử ghi lại, công cuộc tiếp quản hệ thống ngân hàng bắt đầu từ miền Trung và kết thúc tại Sài Gòn. Sau khi tiếp quản, việc đầu tiên của chính quyền cách mạng là phải khẩn trương cải tổ hệ thống ngân hàng hiện có và xây dựng hệ thống ngân hàng mới. Ngày 6/6/1975, Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT-75 về việc thành lập Ngân hàng Quốc gia (NHQG) Việt Nam. Với sự giúp đỡ của NHNN Việt Nam, NHQG Việt Nam ở miền Nam đã nhanh chóng thiết lập bộ máy ngân hàng đến khắp các tỉnh, thành phố, quận, huyện và lập một số phòng giao dịch ở một số nơi có kinh tế tập trung, tạo thành một hệ thống duy nhất của NHQG trên toàn miền Nam Việt Nam.
Trụ sở NHNN Việt Nam
Tới tháng 7/1976, Việt Nam thống nhất về phương diện Nhà nước, nước CHXHCN Việt Nam ra đời. Sự quản lý đất nước thuộc Hội đồng Bộ trưởng, tức Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Khi đó, tất cả các ngành chính thức được hợp nhất, ngành Ngân hàng cũng tiến hành hợp nhất Bắc - Nam. NHQG ở miền Nam được hợp nhất vào NHNN Việt Nam thành một hệ thống NHNN duy nhất trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sau khi hợp nhất hệ thống ngân hàng hai miền, Hội nghị giám đốc NHNN toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Từ đây, nguyên tắc quản lý tập trung thống nhất trên lĩnh vực tiền tệ, tín dụng và ngân hàng, nguyên tắc quản lý xuất nhập kho phát hành tiền trong hệ thống NHNN đã được quán triệt và nghiêm chỉnh chấp hành trong toàn hệ thống. Một dấu mốc cũng cần nhắc lại là vào 1/4/1976, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 08/NQ-TW về việc phát hành tiền ngân hàng mới, thu hồi cả hai loại tiền ngân hàng cũ ở cả hai miền của đất nước, thống nhất tiền tệ trong cả nước.
Chuyển mình đổi mới, hội nhập quốc tế
Giai đoạn 1981-1986 là thời kỳ hệ thống Ngân hàng Việt Nam xây dựng và ban hành nhiều văn bản pháp quy để thực hiện “chính sách tín dụng tích cực, coi tín dụng là mặt trận phía trước”, mở ra nhiều hình thức cho vay mới và có những cố gắng nhất định trong đáp ứng nhu cầu vốn và tiền mặt, góp phần thực hiện kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ 3.
Lịch sử ngân hàng Việt Nam cũng ghi lại sự biến đổi mạnh mẽ từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI - Đại hội của đổi mới khi lần đầu tiên thừa nhận tại Việt Nam có một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Sau Đại hội VI, ngành Ngân hàng Việt Nam từng bước tiếp cận và vận hành theo tinh thần đổi mới cơ chế quản lý và mô hình tổ chức hệ thống. Đây là thời kỳ ngành Ngân hàng cùng cả nước dần từng bước chia tay với cơ chế cũ; tiếp cận, xây dựng và hoàn thiện cơ chế mới.
Ông Lữ Minh Châu, nguyên Tổng Giám đốc NHNN từng chia sẻ, những năm đầu thời kỳ đất nước chính thức bước vào sự nghiệp đổi mới, ngành Ngân hàng đã gấp rút “Thành lập ngay các nhóm nghiên cứu chuyên đề nhằm tạo cơ sở về lâu dài cho ngành: Nhóm tổng kết công tác ngân hàng từ ngày thành lập, đặc biệt từ sau ngày giải phóng đất nước đến nay; Nhóm Chiến lược ngân hàng trong những năm sắp tới; Nhóm nghiên cứu để hình thành Bộ Luật hoặc Pháp lệnh Ngân hàng. Nghiên cứu để trình và xin Đảng, Chính phủ cho phép thành lập hệ thống ngân hàng hai cấp”.
Với Nghị định 53/HĐBT (26/3/1988), manh nha của quá trình đổi mới hoạt động ngân hàng đã trở nên thật rõ nét. Lần đầu tiên trong lịch sử, hệ thống ngân hàng được tách ra thành 2 cấp (NHNN và các ngân hàng chuyên doanh trực thuộc). Trong 4 năm vừa vận hành, tìm tòi và thử nghiệm cơ chế hoạt động mới bằng cách tách dần chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, đã đặt nền móng cho việc ra đời hai Pháp lệnh về Ngân hàng vào tháng 5/1990.
Hội nghị Thống đốc ngân hàng Seacen (châu Á) tại Sri Lanka tháng 2/1990
Trong thông báo số 89-TB/TW ngày 26/8/1997 về phiên họp tháng 8/1997, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam kết luận đánh giá hoạt động của ngành Ngân hàng “đã có những đóng góp đáng kể vào thành công của sự nghiệp đổi mới nền kinh tế đất nước”. Theo đó, đã điều hành chính sách tiền tệ tích cực, cơ bản ổn định được giá trị đồng tiền, kìm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại tệ cho quốc gia và góp phần tăng trưởng kinh tế. Điều hành tín dụng, huy động được một khối lượng đáng kể vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy đầu tư cho sản xuất của tất cả các thành phần kinh tế, coi trọng đầu tư tín dụng ưu đãi để phục vụ xoá đói giảm nghèo và thực hiện một số chính sách xã hội…
Giai đoạn 1998-2005 được xem là thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất so với trước đây về công nghệ ngân hàng. Hầu hết các NHTM đã nối mạng thanh toán, chuyển tiền thông suốt từ Trung ương đến chi nhánh cơ sở. Hiệu quả rõ ràng nhất của công nghệ ngân hàng là tăng nhanh tốc độ luân chuyển các dòng vốn trong xã hội, tiết kiệm chi phí, thời gian, phục vụ kịp thời các hoạt động kinh tế, đời sống. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) được đưa vào vận hành tháng 5/2000. Công nghệ hiện đại hoá là cơ sở vật chất kỹ thuật quyết định cho việc phát triển dịch vụ, sản phẩm ngân hàng.
Việc sửa đổi, bổ sung hai bộ luật về Ngân hàng năm 1997 vào thời điểm năm 2003-2004 được đánh giá là cần thiết, kịp thời cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập ngày càng sâu rộng. Nhờ điều kiện pháp lý thông thoáng hơn, minh bạch hơn, phù hợp hơn với pháp luật quốc tế, ngành Ngân hàng tiếp tục vươn lên phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và sẵn sàng hội nhập trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc phát triển quan hệ hợp tác ngân hàng - ngân hàng giai đoạn này đã giúp cho quan hệ giao dịch tài chính tiền tệ giữa Việt Nam với các nước thuận lợi. Mặt khác, các ngân hàng Việt Nam cũng tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý ngân hàng hiện đại và công nghệ dịch vụ, kỹ năng quản trị kinh doanh tiền tệ. Tới năm 2005, NHNN có quan hệ song phương với 165 NHTW các nước trên thế giới.
Ứng phó khủng hoảng, hoàn thiện thể chế
Giai đoạn 2006 - 2010, một sự kiện lớn ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 và suy thoái kinh tế thế giới kéo dài. Những đối sách ứng phó của Chính phủ được NHNN thực hiện trong giai đoạn 2006 - 2010 đã góp phần kiềm chế tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 ở mức 12,63% và 6 tháng đầu năm 2008 ở mức 18,44%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam trong các năm 2008 - 2010 vẫn tăng trưởng dương (riêng năm 2010 tăng trưởng đạt 6,78% - vượt mục tiêu 6,5% đề ra) trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thế giới suy giảm, thậm chí tăng trưởng âm.
Từ tháng 7/2008, NHNN thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 30 tại NHNN theo Quyết định số 30/QĐ-TTg và hướng dẫn của Tổ công tác chuyên trách Cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010. Tới năm 2009, NHNN hoàn thành việc thống kê và công bố đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Lần đầu tiên, hệ thống ngân hàng tập hợp được một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, hoàn chỉnh về thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực hoạt động tiền tệ, ngân hàng và công bố công khai trên website NHNN. Đề án 30 của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng được đánh giá là sự kiện quan trọng, khẳng định quyết tâm trong chiến lược đổi mới và chương trình cải cách tổng thể nền hành chính Quốc gia, tạo nền tảng cho đổi mới về thể chế và hiện đại hoá hành chính nội vụ, đặc biệt trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
Năm 2010, thêm một dấu mốc là việc Quốc hội khoá XII thông qua Luật NHNN (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. Hai luật này đã tạo nền tảng pháp lý mới, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm, quyền hạn của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, phù hợp với các điều ước quốc tế. Cùng với hai Luật ngân hàng, các quy định dưới Luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo hướng đơn giản hoá, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và các quan hệ giao dịch giữa tổ chức cá nhân với NHNN.
* Bài viết sử dụng tư liệu trong sách “Lịch sử Ngân hàng Việt Nam 1951 - 2016”.
Kỳ cuối: Khẳng định vai trò huyết mạch nền kinh tế (Giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020)
Theo thoibaonganhang.vn