Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn cần các biện pháp cấu trúc lại quản lý để có thể tăng được nguồn thu và giảm chi tiêu công.
PV: Là một chuyên gia kinh tế đã làm việc lâu năm ở Việt Nam, ông có bình luận gì khi năm 2017, Việt Nam đã hoàn thành 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao, trong đó GDP đạt mức 6,81%, cao hơn dự báo của WB?
Ông Sebastian Eckardt: 2017 là một năm thành công của Việt Nam khi GDP tăng 6,81% - cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và cao nhất với chính Việt Nam trong vòng 1 thập kỷ qua. Lạm phát thấp dưới 4% và lạm phát lõi cũng rất thấp. Cán cân thanh toán của Việt Nam ổn định và số vốn FDI vào Việt Nam cũng đạt mức cao là khoảng 17,5 tỷ USD. Trong năm vừa qua, lãi suất cũng rất ổn định và Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc tăng dự trữ ngoại hối của mình lên mức 54,5 tỷ USD. Như vậy, 2017 là năm Việt Nam đã có những tiến triển chắc chắn về kinh tế vĩ mô.
Tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam cao hơn mức dự đoán của WB trước đó vì 2 lý do chính. Một là nhu cầu trong nước tăng cao, tỷ lệ lạm phát thấp, giá cả hàng hóa không tăng, nhưng mức lương trung bình của người dân cao lên. Hai là đầu tư tăng. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên, đồng thời đầu tư trong nước cũng tăng lên, do nhiều điều kiện tốt của nền kinh tế như lãi suất thấp, lãi suất thị trường cũng thấp nên đầu tư của tư nhân tăng lên. Chính vì thế, nên cho dù đầu tư công giảm xuống, đã có đầu tư tư nhân và FDI bù lại.
PV: Còn về công tác điều hành ngân sách? Ông đánh giá như thế nào về công tác điều hành tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính trong năm 2017?
Ông Sebastian Eckardt: Tại Việt Nam, công tác điều hành ngân sách năm qua rõ ràng là khá thành công và tốt hơn những năm trước. Năm 2017, Việt Nam đã có sự điều chỉnh trong chính sách tài chính. Những năm trước bội chi cao nhưng năm 2017 đã giảm xuống và đạt chỉ tiêu dưới 3,5% GDP, tỷ lệ nợ công cũng đã giảm đáng kể. Năm vừa qua, nguồn thu của Việt Nam đã cải thiện, cả nguồn thu trong thuế và thu ngoài thuế. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giảm tăng chi và giảm đầu tư công. Có thể thấy, Chính phủ ngày càng cẩn trọng với các khoản đầu tư công của mình. Việc thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp (DN) nhà nước lớn như Sabeco cũng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng ta vẫn cần các biện pháp tái cấu trúc để tăng nguồn thu và giảm những khoản chi không hiệu quả. Về thu, cần cải cách thuế, đặc biệt là từ các nguồn thu trong nước vì trong tương lai Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết FTA, vì vậy cần phải cải cách nguồn thu thuế trong nước để bù lại.
Còn về chi ngân sách, hiện nay nợ công của Việt Nam vẫn cao nên phải rất cẩn thận về hiệu quả các khoản đầu tư công. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, điện... vì đó là xương sống để phát triển nền kinh tế, nhưng cần chú trọng vào tính hiệu quả của các khoản đầu tư. Vừa qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn FDI vào sản xuất, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thành công lắm trong việc thu hút vốn FDI hay vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Vấn đề này, Chính phủ cũng đã nhận ra và hy vọng sắp tới sẽ có một số biện pháp để có thể thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này.
Gần đây, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công, đã thay đổi phương pháp quản lý nợ từ việc thu hút tài chính sang việc quản lý rủi ro, bởi trong thời gian tới Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những khoản vay từ thị trường tài chính. Bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn mới thì cũng cần quản lý nguồn vốn mới khác với cách quản lý trước kia.
PV: Theo Báo cáo Doing Business 2018, chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 81 bậc, từ vị trí thứ 167 lên vị trí 86/190. Từ góc độ của tổ chức thực hiện báo cáo, ông đánh giá như thế nào về sự nâng bậc ấn tượng này trong lĩnh vực thuế của Việt Nam?
Ông Sebastian Eckardt: Đây là thành công rất đáng mừng của Việt Nam. Điều này do kết quả của những cải cách mạnh mẽ về thuế và bảo hiểm xã hội trong thời gian vừa qua. Vì vậy, chi phí tuân thủ cho DN và người dân đã giảm xuống nhiều.
Chỉ số thuế là chỉ số quan trọng trong việc liệu nền kinh tế đó có dễ dàng kinh doanh hay không. Tôi nghĩ rằng, chỉ số nộp thuế của Việt Nam vẫn có thể tiếp tục cải thiện được nữa. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn phải tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự cải cách, ví dụ như tăng tỷ lệ số hóa, hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế lên nữa để giảm các thủ tục không cần thiết cho người nộp thuế và tiếp tục giảm chi phí cho các DN để đáp ứng các yêu cầu về thuế. Tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2018 và các năm sau nữa.
PV: WB có dự báo như thế nào về mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2018? Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì mức và chất lượng tăng trưởng trong năm tới?
Ông Sebastian Eckardt: Theo kịch bản cơ bản của WB thì năm 2018, Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,5% và có thể cao hơn nếu tình hình kinh tế toàn cầu tốt hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro từ thị trường toàn cầu, ví dụ như thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố chưa rõ ràng; những yếu tố như đầu tư, thương mại toàn cầu nếu xấu đi thì có thể ảnh hưởng tới Việt Nam vì Việt Nam là nước phụ thuộc rất nhiều vào thương mại.
Về thị trường trong nước, đã có những cải cách trong thời gian vừa qua và kinh tế vĩ mô ổn định. Vì thế tôi cho rằng đây là thời gian để chúng ta có thể xây dựng những “khoảng đệm” cho nền kinh tế, để nền kinh tế có thể chống chịu tốt hơn trước những cú sốc trong tương lai. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có các biện pháp giảm nợ trên GDP, giữ tỷ giá ổn định. Tín dụng hiện nay đã tăng, nhưng không nên tăng quá cao và quá dài, vì điều này cũng tạo ra rủi ro chất lượng tài sản tín dụng trong khu vực ngân hàng sẽ giảm xuống.
Có nhiều cải cách cần thực hiện để tăng trưởng tốt hơn và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn của Nhà nước. Cần cải cách những quy định để làm tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn sẵn có bên cạnh việc tiếp tục cải cách DN nhà nước. Năm 2017, Việt Nam làm rất tốt điều này và tôi hy vọng sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018.
Tôi nghĩ rằng, lạm phát có thể cao hơn năm nay nhưng cũng sẽ không cao quá và Việt Nam cần một chính sách tiền tệ linh hoạt để có thể đảm bảo kiểm soát lạm phát. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ động theo dõi chặt chẽ thị trường để có thể nếu cần thì có các biện pháp phù hợp.
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam